Từ những vụ xâm hại tình dục: Chúng ta đang đối xử thế nào với trẻ?

19/11/2019 - 17:09
Chỉ trong ít ngày, liên tiếp những vụ xâm hại tình dục trẻ nghiêm trọng bị phát tại thành phố lớn nhất nước đã gây phẫn nộ trong cộng đồng. Điều đáng nói, nghi can xâm hại trẻ đều là những người có mối quan hệ khá mật thiết với nạn nhân.

Đó là vụ công an quận Bình Thạnh (TPHCM) bắt khẩn cấp một nam cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM vì dâm ô nhiều bé gái tại cơ sở này. Cùng ngày trên mạng xã hội lan truyền một clip thầy giáo lớp Tin học căn bản ở Nhà Thiếu nhi TPHCM liên tục có hành vi sàm sỡ nữ sinh.

Có lẽ đã đến lúc cần phải đặt câu hỏi những người lớn đang đối xử thế nào với chính thế hệ tương lai.

Trẻ em như là sự tiếp nối, sự vĩnh cửu hóa giống loài để một ngày nào đó thực hiện những sứ mệnh của cả nhân loại, điều mà ngay chính thời điểm này chúng ta, những thế hệ hiện tại cũng chưa có cả ngay câu trả lời rõ ràng nhất.

Vũ trụ, cuộc sống quanh chúng ta cũng như chính chúng ta cũng còn quá nhiều những điều bí ẩn mà chắc chắn trong thời đại thế hệ này chưa ai dám chắc đã tìm được câu trả lời thỏa đáng nhất.

Chính vì thế, trẻ em vừa là sản phẩm của chúng ta nhưng cũng chính là niềm hy vọng của mỗi gia đình, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại.

Và chúng ta có nghĩa vụ phải đảm bảo những điều kiện tốt nhất để trẻ em được lớn, được giáo dục, được học hành, được chơi... để phát triển một cách tốt nhất cũng như tránh xa bất cứ nguy cơ nào.

Tuy nhiên, rất nhiều trẻ em đang trở thành đối tượng của những kẻ xâm hại tình dục, loại tội phạm không chỉ gây hại hiện thời mà còn để lại những hậu quả, những di chứng nặng nề lên tâm sinh lý của nạn nhân – những trẻ nhỏ.

Thậm chí trong suốt một thời gian dài, các cơ quan áp dụng pháp luật đã rất lúng túng đau đầu, thậm chí có thể nói dường như bị bó chân bó tay trước loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khi những văn bản hướng dẫn không được ban hành một cách kịp thời và đầy đủ.

Luật hình sự có nguyên tắc một người không thể bị xử lý nếu hành vi của anh ta không phải là một trong những hành vi đã được quy định trong luật này (kể cả giải thích, hướng dẫn, liệt kê) đó là hành vi phạm tội.

 

Nghi phạm trong vụ xâm hại các bé gái ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội quận Bình Thạnh, TPHCM

 

Nhưng, trong nhiều chục năm chúng ta không thể làm gì với những tội danh quy định ở mức rất chung chung: dâm ô, quan hệ tình dục khác... khi chúng không được diễn giải, mô tả, thống kê.

Mới đây, Nghị quyết 06 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra đời “bịt được lỗ hổng” này. Văn bản này cũng giống như một “cẩm nang” để những người áp dụng pháp luật soi chiếu và dễ dàng kết luận một hành vi có phạm vào những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hay không.

Nhưng tiến trình hoàn thiện pháp luật đó cũng nói lên một cách rõ ràng rằng, sự chuyển mình của xã hội còn quá chậm chạp để thích nghi và bảo vệ một cách kịp thời nhất đối với trẻ em trước những kẻ xâm hại tình dục.

Điều này cũng thể hiện ngay trong thực tế đời sống, một cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội nhưng trong suốt một thời gian dài lại có hành vi dâm ô với nhiều trẻ em gái.

Sẽ có những câu hỏi được đặt ra, tại sao tại một trung tâm có rất đông người cùng làm việc nhưng hành vi của cán bộ này kéo dài lại không bị phát hiện? Những cấp trên, những đồng nghiệp đã ở đâu khi cán bộ biến chất này liên tục có hành vi xâm hại trẻ ở giữa một cơ quan có chức năng hỗ trợ bảo vệ trẻ, một môi trường thường được mệnh danh là “mái ấm” của những đứa trẻ có cuộc sống vốn đã không mấy bình yên?

Với nhiệm vụ chức năng bảo vệ trẻ không có mái ấm gia đình trước những nguy cơ đến từ xã hội, nhưng chính trung tâm hỗ trợ lại để lọt vào hàng ngũ cán bộ những kẻ mang trong mình suy nghĩ lệch lạc, bệnh hoạn và sẵn sàng lợi dụng bất cứ cơ hội nào để tấn công tình dục trẻ.

Có lẽ câu trả lời chỉ có thể là ngay tại những nơi này, ý thức về việc bảo vệ trẻ vẫn còn rất lỏng lẻo. Hay nói cách khác, những người ở đó hoàn toàn không ý thức đúng mức về việc bảo vệ hỗ trợ trẻ khỏi bị xâm hại.

 

Cửa sổ của Trung tâm - nơi xảy ra những vụ xâm hại trẻ

Thêm một minh chứng nữa cho thấy ý thức chung của xã hội đối với loại tội phạm này chưa được nâng lên ở mức đáng phải có, khi hầu hết những vụ xâm hại tình dục trẻ đều do chính nạn nhân và người thân của nạn nhân tố cáo. Tỷ lệ những vụ việc do cơ quan chức năng phát hiện vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.

Chừng nào an toàn, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của những đứa trẻ còn bị coi nhẹ, chừng ấy tội ác vẫn sẽ tiếp tục xảy ra với chính những đứa trẻ được coi là tương lai của dân tộc, đất nước...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm