Tử vong nếu khám và điều trị muộn ung thư trực tràng

14/08/2015 - 15:54
Theo Bộ Y tế, hằng năm ở nước ta có gần 9.000 ca mắc mới ung thư đại trực tràng (ĐTT), trong đó hơn 6.000 trường hợp tử vong do đến khám và điều trị muộn.
Vì chủ quan nên cơ hội sống giảm
Mặc dù thường thấy đầy bụng nhưng bà Nguyễn Thị Hường, 52 tuổi, ở Bắc Ninh, không đi khám sớm. Thời gian đầu, ngoài bị đầy bụng, có ngày bà Hường đi tiêu nhiều lần nhưng sau đó, 3 ngày liền, bà không thể đi tiêu. Do bụng trướng to và khó chịu, bà Hường được người nhà đưa tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám. Qua siêu âm và chẩn đoán, bác sĩ xác định, nguyên nhân khiến bà Hường không thể đi tiêu do khối u đại tràng gây tắc hoàn toàn đường ruột.


Mặc dù thường có những triệu chứng đầy bụng nhưng nhiều người vẫn chủ quan không đi khám sớm

Kết quả xét nghiệm chuyên sâu xác định bà Hường bị ung thư ĐTT giai đoạn IV, đã di căn ra một đoạn dài của ruột, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ một đoạn đại tràng (ruột già). Dù bà Hường đã được cắt bỏ ruột và khối u, đồng thời hóa, xạ tri và dùng thuốc nhưng các bác sĩ cho rằng, cơ hội sống lâu của bệnh nhân không nhiều. Bởi sau 1-2 năm, những tổn thương ung thư có thể tái phát ở ruột hoặc di căn đến gan, phổi, xương... của bệnh nhân.
Cũng thấy bụng luôn ấm ách nhưng bà Hoàng Thị Lan, 51 tuổi, ở Hà Nam, đến bệnh viện sớm. Sau khi nội soi đại tràng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u ở đoạn cuối ruột già, gần hậu môn. Xét nghiệm tế bào khối u, bác sĩ chẩn đoán bà Lan bị ung thư ruột già giai đoạn II, khối u chưa di căn. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ đoạn cuối ĐTT. Do khối u chưa di căn nên cơ hội khỏi bệnh của bà Lan khá cao, lên đến 90%.

Sớm tầm soát bệnh
Theo Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu của bệnh viện, số người bị ung thư ruột già đến khám sớm như bệnh nhân Lan rất hiếm. Đa phần người mắc bệnh này đi khám và điều trị muộn, trường hợp như bệnh nhân Hường khá phổ biến. Do bệnh đã di căn nên cơ hội điều trị khỏi chỉ từ 30 đến 35%.
 
Dấu hiệu của ung thư ĐTT bao gồm: Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân. Những người tuổi càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao. Do vậy, để phát hiện ung thư ĐTT, biện pháp hiệu quả nhất là đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát căn bệnh này sớm thông qua xét nghiệm máu, nội soi toàn bộ đại tràng, siêu âm…

Ung thư ĐTT thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Ngoài ra, những người có nguy cơ mắc bệnh này cao còn gồm: Có tiền sử bị pôlíp ĐTT, mắc bệnh đường ruột; có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư ĐTT, nhất là người có quan hệ huyết thống gần. Bên cạnh đó, những người thường xuyên sử dụng thức ăn chứa nhiều mỡ, nhất là mỡ động vật; thiếu vận động; béo phì; nghiện thuốc lá; uống nhiều rượu, bia... cũng dễ mắc ung thư ĐTT.

Để phòng ung thư ĐTT, bên cạnh khám bệnh định kỳ, nhất là người có tiền sử gia đình mắc bệnh và tránh những yếu tố nguy cơ cao, bạn nên tăng cường sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật; ăn nhiều trái cây và rau xanh để tăng chất xơ; vận động thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm