Từ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Đừng để trẻ “cô đơn” trong chính nhà mình

Hải Linh
30/12/2021 - 19:21
Từ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Đừng để trẻ “cô đơn” trong chính nhà mình

Ảnh minh họa

"Tôi thương cô bé mới 8 tuổi phải ra đi trong nỗi cô đơn cùng cực, trong đau đớn kinh hoàng vì bị bạo hành. Chắc hẳn con đã phải kêu cứu trong nỗi sợ hãi, tuyệt vọng ở những phút cuối cùng…", Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, Tòa án Nhân dân TPHCM, chia sẻ.

Những ngày qua, dư luận vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ trước vụ việc cô bé 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong. 

Dẫu tất bật với công việc của ngày cuối năm nhưng Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên vẫn không thoát khỏi sự bần thần và trăn trở của một người gắn bó hàng chục năm với công việc ở tòa án. "Tôi chưa một lần biết đến cô bé đó nhưng nhìn những bông hoa trắng phủ mỗi lúc một dày lên chiếc bàn thờ đơn sơ em bé xấu số, tôi càng thấy mình bất lực. Tôi thương cô bé mới 8 tuổi phải ra đi trong nỗi cô đơn cùng cực, trong đau đớn kinh hoàng vì bị bạo hành. Càng căm phẫn sự thờ ơ, vô trách nhiệm của người được trao quyền nuôi con sau ly hôn, để bé phải "cô đơn" trong chính căn nhà có cha đẻ của mình. Chắc hẳn con đã phải kêu cứu trong nỗi sợ hãi, tuyệt vọng ở những phút cuối cùng…",Thẩm phán Bích Duyên nghẹn giọng chia sẻ.  

Với hàng chục năm làm công tác toà án, chị Bích Duyên không ít lần mất ăn mất ngủ để đưa ra những phán quyết nhân danh pháp luật, thay cho những cặp vợ chồng ly hôn. Trong khi chính họ hoàn toàn có quyền quyết định cuộc hôn nhân cũng như cách chăm sóc, nuôi dưỡng con cái cho đến khi chúng trưởng thành, nếu không may cuộc hôn nhân của họ tan vỡ.

Điều thẩm phán Bích Duyên luôn trăn trở khi giải quyết những vụ tranh chấp nuôi con sau ly hôn. Nhất là khi họ cố "giành" cho bằng được đứa trẻ nhưng không phải xuất phát từ sự yêu thương, muốn gần gũi, bù đắp cho con mình, mà cha mẹ trẻ lúc đó chỉ coi đứa con là công cụ để họ hành hạ nhau, kể cả bất chấp thủ đoạn. Dù có thể họ biết, sau mỗi phiên toà ly hôn, người phải gánh tổn thương nặng nề nhất, chính là những đứa trẻ đó.  

Theo thẩm phán Bích Duyên, trong cuộc đời làm nghề "cán cân công lý", khó ai không có một vài lần sai lầm. Có những sai lầm có thể sửa được. Có những sai lầm vô tình "tiếp tay" cho những bạo lực trẻ em, làm tổn thương những đứa trẻ vô vội. Đau đớn hơn, các con có thể phải kết thúc mạng sống của mình trong đớn đau, tuyệt vọng mà không thể kêu cứu.  

Từ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Đừng để trẻ “cô đơn” trong chính nhà mình - Ảnh 1.

Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên

Nỗi ám ảnh của cô bé 7 tuổi bị đưa đến phiên toà ly hôn của cha mẹ

Thẩm phán Bích Duyên nhớ lại một phiên toà xử tranh chấp quyền nuôi con cách đây hơn 2 năm. Cả người cha và mẹ bé đều tìm đủ mọi cách tranh quyền nuôi con. Cha cô bé là giám đốc một công ty xây dựng, mẹ làm đại lý bán vé máy bay. Họ đã ly hôn 6 năm trước, khi cô bé mới 1 tuổi và được toà giao cho mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc.

2 năm trước, cha cô bé làm đơn khởi kiện, yêu cầu toà thay đổi quyền trực tiếp nuôi con, với lý do "vợ cũ và gia đình bên ngoại bé ngăn cản anh thăm nuôi". Trước đó, anh đã nhờ đến Hội Phụ nữ của địa phương can thiệp nhưng không có kết quả. Anh cũng cho rằng mẹ bé thường xuyên đi làm về trễ, không dành thời gian chăm sóc con mà giao phó cho ông bà ngoại. Trong khi đó, phía nhà ngoại lại có thân nhân không tốt. Cô bé thường được giao lại cho người cậu, và "làm bạn" với máy game hàng ngày.

Quá trình giải quyết vụ án, toà sơ thẩm thu thập chứng cứ, gặp giáo viên trực tiếp chăm sóc bé gái và ghi nhận: "Bé mong muốn được ở với cha". Người mẹ thường xuyên đi làm đến 20 - 21h mới về. Lúc bé vào lớp 1, việc đưa đón con chị gần như giao cho xe ôm... Từ đó, toà chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc người mẹ giao con cho chồng cũ chăm sóc.

Phản đối phán quyết này, người mẹ kháng cáo. Chị cho rằng thời gian bé ở với mẹ vẫn phát triển tốt, cả thể chất lẫn tinh thần. Hơn nữa, con là bé gái nên giao cho cha sẽ không tiện chăm sóc.

Thụ lý giải quyết yêu cầu kháng cáo, Thẩm phán Bích Duyên nhiều lần mở phiên tòa nhưng sau đó phải tạm ngưng để thu thập và xác minh các chứng cứ. Vì muốn giành quyền nuôi con nên cả hai bên đều chuẩn bị các căn cứ chứng minh tài chính. Thậm chí họ không ngại tố nhau những điều tế nhị. Bé gái cũng bị lôi vào cuộc và trở thành nạn nhân của "cuộc chiến".

"Việc giao trẻ cho ai là người trực tiếp chăm sóc sau khi cha mẹ ly hôn là điều không dễ. Nó đồng nghĩa với việc tách đứa bé ra khỏi cha hoặc mẹ và đều có thể gây tổn thương cho con trẻ", Thẩm phán Bích Duyên nói. Sau đó, HĐXX đã phải cân nhắc rất kỹ để đưa ra phán quyết đảm bảo tốt nhất mọi quyền lợi của cô bé. Hôm tòa tuyên án cũng là ngày cô bé tròn 7 tuổi. Người mẹ một mực đề nghị tòa cho con vào phòng xử nhưng HĐXX không chấp nhận, vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ nhỏ.

Từ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Đừng để trẻ “cô đơn” trong chính nhà mình - Ảnh 2.

Việc đưa ra những phán quyết liên quan đến một đứa bé là rất nhạy cảm và không dễ dàng. Ảnh: NVCC

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và xét hỏi tại tòa, HĐXX bác kháng cáo của người mẹ, giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm. Theo toà, việc các bên tranh chấp đều xuất phát từ tình yêu thương con nhưng người mẹ đã không chủ động được thời gian trực tiếp chăm sóc, đưa đón con đi học...

Phán quyết tòa luôn căn cứ quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của con trẻ, cũng như đương sự. Việc thi hành những phán quyết liên quan đến một đứa bé là rất nhạy cảm và không dễ dàng ngay cả đối với những người thắng kiện.

Trở lại với vụ bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành dẫn đến tử vong. Bé đã sống với cha sau khi cha mẹ ly hôn. Với lăng kính của người làm công tác bảo vệ pháp luật thì tiêu chí bảo vệ trẻ em luôn được đặt lên hàng đầu trong mỗi phiên xử tranh chấp con khi ly hôn. Thẩm phán Bích Duyên bộc bạch: "Tôi tha thiết mong các bậc làm cha, làm mẹ hãy yêu thương những đứa trẻ, nhất là con của mình bằng tất cả tình thương, nghĩa vụ. Đừng vì cái tôi, sự ích kỷ của bản thân mà làm tổn thương đến những đứa trẻ vô tội trong cuộc ly hôn của cha mẹ".

"Tôi mong sao những đứa trẻ không may gia đình tan vỡ sẽ được gia đình, xã hội quan tâm hơn nữa, để các em không còn "cô đơn" trong chính ngôi nhà của mình. Các bé không còn đơn độc khi sống bên cạnh người mà các em gọi là cha, là mẹ!", Thẩm phán Bích Duyên bộc bạch.

Vào 18 giờ ngày 22/12, Bệnh viện Vinmec (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận cháu N.T.V.A được cha ruột là N.K.T.T (sinh năm 1985, ngụ quận Bình Thạnh) đưa đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tuần hoàn tim phổi và đã tử vong.

Sau khi nhận được tin báo, Công an quận Bình Thạnh đã khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Qua điều tra ban đầu, lực lượng chức năng xác định, anh T và Nguyễn Võ Quỳnh Trang có quan hệ tình cảm, sống chung như vợ chồng từ tháng 6/2020 ở khu chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh).

Vào khoảng 14 giờ ngày 22/12, Trang hướng dẫn cháu A học bài; cháu A chậm tiếp thu bài nên Trang lớn tiếng la mắng và dùng 1 cây gỗ đánh cháu.

Sau đó, Trang phát hiện cháu A bị nôn ói nên chạy đến đỡ cháu dậy, gọi điện thoại anh T về đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu nhưng cháu A đã tử vong sau đó.

Cơ quan chức năng xác định, cháu A tử vong do phù phổi cấp, cơ thể có nhiều vết thương bầm tụ máu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang (sinh năm 1995, ngụ quận Bình Thạnh) về hành vi hành hạ người khác.

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã tiếp nhận đơn tố cáo của mẹ bé A.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh - được Hội chỉ định tư vấn, hỗ trợ gia đình cho đến khi kết thúc vụ án.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm