Từ vụ cả trăm học sinh trường THPT Đặng Thai Mai suýt không được tốt nghiệp: Tâm tư của những thầy giáo già

Nguyễn Cảnh Dũng
21/06/2022 - 10:15
Từ vụ cả trăm học sinh trường THPT Đặng Thai Mai suýt không được tốt nghiệp: Tâm tư của những thầy giáo già

Trường THPT Đặng Thai Mai đứng trước nguy cơ đóng cửa

Chỉ còn khoảng 2 tuần lễ nữa, 104 học sinh khối 12 trường THPT Đặng Thai Mai sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Gần ngày thi, nỗi lòng các thầy cô càng nặng trĩu bởi đây có thể là lứa học sinh cuối cùng của ngôi trường có lịch sử 17 năm này.
Quyết định "chữa cháy"

Trường THPT Đặng Thai Mai nằm ẩn khuất trong con ngõ nhỏ phía sau trụ sở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Những ngày vừa qua, dư luận tại Sóc Sơn xôn xao khi 104 học sinh khối 12 của nhà trường đứng trước nguy cơ không thể tốt nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ lý do hết sức hy hữu - trường không có hiệu trưởng, không ai ký duyệt để hoàn thành thủ tục trong hồ sơ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho các em học sinh.

Thầy hiệu trưởng Lê Quốc Trường đã hết nhiệm kỳ và hết tuổi làm việc theo quy định nên nghỉ việc từ ngày 20/1/2022. Vì nhiều lý do, trường bị "trống" hiệu trưởng từ đó đến nay. Ngày 14/6, vì quá lo lắng, phụ huynh đã kéo đến trường để đối thoại và yêu cầu nhà trường làm rõ. Buổi đối thoại chỉ có 2 thành viên (trong số 4 người) góp vốn là ông Đàm Khắc Minh và ông Đàm Khắc Sỹ tham gia.

Rất may, chiều cùng ngày lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn gồm Ban giám đốc, lãnh đạo các phòng ban của Sở và thành viên hội đồng góp vốn của trường để đưa ra giải pháp: kéo dài nhiệm kỳ của hiệu trưởng cũ đến 30/8/2022. Quyết định "chữa cháy" này chỉ với mục đích giải quyết các phần việc còn dang dở của nhà trường liên quan đến học sinh, trong đó có công tác hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo cho các em lớp 12 thi tốt nghiệp.

Từ vụ cả trăm học sinh trường THPT Đặng Thai Mai (Hà Nội) suýt không được tốt nghiệp:Tâm tư của những thầy giáo già - Ảnh 1.

Ông Đàm Khắc Minh, một trong số những thành viên góp vốn trường THPT Đăng Thai Mai

Như vậy, vấn đề của 104 em học sinh khối 12 tạm thời đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều vấn đề đang tồn tại ở trường THPT Đặng Thai Mai khiến ngôi trường này đứng trước nguy cơ sẽ phải đóng cửa. Ông Đàm Khắc Sỹ - một trong 4 thành viên góp vốn - buồn bã thừa nhận: "Số phận của trường Đặng Thai Mai chưa biết thế nào. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức nhưng quyết định cuối cùng phải do Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định".

Ông Sỹ cho biết, trường THPT Đặng Thai Mai có quyết định thành lập từ năm 1999. Địa điểm dự kiến ban đầu nằm tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Một trong 3 thành viên thành lập có ông Nguyễn Chí Trung. Tuy nhiên, do không tìm được địa điểm và có quá ít học sinh nên sau đó ông Trung cùng bà Chu Thị Tâm đã lên Sóc Sơn phối hợp với các thầy giáo Lê Thế Thịnh - Phó Hiệu trưởng, thầy Đàm Khắc Sỹ - Tổ trưởng tổ toán trường THPT Trung Giã khi ấy và thầy Đàm Khắc Minh - Tổ trưởng tổ toán trường THPT Đa Phúc quyết định xây dựng trường Đặng Thai Mai tại địa chỉ xã Hồng Kỳ. Mỗi thành viên góp 20% vốn điều lệ và năm 2004 trường chính thức được xây dựng, một năm sau đi vào hoạt động.

"Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ trước khi chọn xã Hồng Kỳ để xây dựng trường. Trường xây dựng tại đây, học sinh các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Tân Hưng và Hồng Kỳ sẽ đi học rất thuận lợi. Nếu không có trường này, hằng ngày, nhiều em phải đi học gần 20 km. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi đã góp được một phần nhỏ bé vào nhiệm vụ giáo dục của địa phương, giúp con em địa phương có điều kiện học tập tốt hơn", ông Đàm Khắc Minh chia sẻ.

Trường trước nguy cơ giải thể, học sinh chưa biết về đâu

Trường THPT Đặng Thai Mai có quy mô tương đối nhỏ với 9 phòng học và một nhà hiệu bộ. Tuy nhiên, trải qua 17 năm hoạt động cũng đã có hơn 3.000 học sinh tốt nghiệp từ ngôi trường này. Khi tìm hiểu, chúng tôi khá bất ngờ thấy trường hiện chỉ có 2 khối lớp 11 và 12. Sở dĩ bị khuyết khối 10 do năm học 2021-2022 Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng trường này "không đủ điều kiện tuyển sinh", lý do: Nội bộ giữa các cổ đông góp vốn chưa thống nhất trong việc điều hành; trang thiết bị hiện có của nhà trường chưa đáp ứng được theo quy định hiện hành.

Ngay sau đó, ông Sỹ, ông Minh và một thành viên góp vốn khác là ông Lê Khắc Hải đã khắc phục bằng việc đầu tư trang thiết bị, sửa sang lại trường. Những cố gắng với hi vọng sẽ được tuyển sinh lại lớp 10 đã tan thành mây khói khi vấn đề lớn nhất gần như không thể giải quyết đó là "nội bộ chưa thống nhất". Giữa các thành viên góp vốn không thể tìm được tiếng nói chung. Thậm chí, một cuộc chiến pháp lý có thể sẽ xảy ra giữa các thành viên góp vốn trong một tương lai không xa.

"Trường Đặng Thai Mai hiện có 104 học sinh khối 12 và 89 học sinh khối 11. Các em học sinh khối 12 hằng ngày vẫn ôn thi tại trường nhưng học sinh khối 11 đang nghỉ hè. Chỉ còn ít ngày nữa các em khối 12 sẽ ra trường nhưng điều trăn trở của chúng tôi là 89 học sinh khối 11. Trường không thể hoạt động được nữa, các em chưa biết đi đâu về đâu. Ngoài ra còn đó gần 30 giáo viên, có những người đã gắn bó với trường từ đầu. Nếu trường không thể hoạt động tiếp, học sinh có thể được chuyển sang trường khác nhưng với giáo viên của nhà trường, họ gần như sẽ thất nghiệp", ông Sỹ buồn bã chia sẻ.

Nói về "sinh mệnh" của trường THPT Đặng Thai Mai, ông Đàm Khắc Minh cũng không thể giấu được nỗi buồn: "Tôi đã ngoài 70 tuổi, cả một đời gắn bó với trường với lớp. Trường Đặng Thai Mai được xây dựng với rất nhiều tâm huyết, công sức và cả tiền bạc nhưng giờ ra nông nỗi này tôi buồn lắm. Nếu trường giải thể, học sinh quanh khu vực này sẽ rất thiệt thòi khi phải đi học xa... Chúng tôi bây giờ chỉ biết chờ đợi sự chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Hà Nội nhưng nguy cơ trường đóng cửa đang hiện hữu".

Kéo dài nhiệm kỳ hiệu trưởng có đúng luật?

Luật sư Nguyễn Bích Lan - Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội cho biết:

Tại Điều lệ Trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và Trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), tại điểm c khoản 1 Điều 11 quy định: "c) Nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường trung học là 05 năm. Sau mỗi năm học, hiệu trưởng được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định. Hiệu trưởng công tác tại một trường trung học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".

Trong khi đó, tại Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông tư thục như sau: 1. Hiệu trưởng trường phổ thông tư thục phải là người có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ trường phổ thông, khi được đề cử không quá 70 tuổi và không là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước. 3. Đối với trường phổ thông tư thục có Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng do Hội đồng quản trị đề cử và bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu kín với quá nửa số phiếu tán thành; được Đại hội đồng thành viên góp vốn thông qua và cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận.

Như vậy, việc "kéo dài nhiệm kỳ của hiệu trưởng cũ ...." là chưa đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề cấp bách của Nhà trường hiện nay, đồng thời đảm bảo quyền lợi của học sinh (đặc biệt là học sinh khối 12 cần hoàn thiện học bạ để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ bằng học bạ), nhưng vẫn đảm bảo không trái với quy định thì việc đưa ra giải pháp trên cần xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm