Từ vụ hàng nghìn nạn nhân đa cấp Liên Kết Việt: Làm sao nhận dạng “tắc kè hoa”?

Hà Khê
04/01/2021 - 12:12
Từ vụ hàng nghìn nạn nhân đa cấp Liên Kết Việt: Làm sao nhận dạng “tắc kè hoa”?

Hàng trăm nạn nhân của Liên Kết Việt đến tòa để vạch mặt kẻ lừa đảo

Tiền mất, nhà bán, gia đình ly tán, chồng con ruồng bỏ... là thực trạng mà rất nhiều nạn nhân trong vụ lừa đảo của công ty đa cấp Liên Kết Việt đã phải đối mặt. Phiên tòa khép lại, trùm đa cấp lĩnh án chung thân, buộc phải trả tiền cho nạn nhân, nhưng hậu quả mà cơn bão đa cấp này quét qua vẫn còn rất nặng nề.
Mới xác định địa chỉ hơn 6.000 nạn nhân

Phiên tòa xét xử trùm đa cấp Lê Xuân Giang và đồng bọn trong vụ lừa đảo tại công ty Liên Kết Việt thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi, có lẽ là phiên tòa có nhiều bị hại nhất từ trước tới nay với hơn 6.000 người được cơ quan tố tụng xác định được địa chỉ.

Có một điều khá trùng hợp khi hầu hết nạn nhân đều là người lớn tuổi, họ đến từ 49 tỉnh, thành khác nhau. Ai cũng lo âu, mệt mỏi bởi số tiền đã "nướng" vào công ty này không hề ít. Người ít thì cũng vài chục triệu đồng, người nhiều lên đến hàng tỉ đồng.

Bà L.T.T (Hải Phòng) nhận được giấy triệu tập của tòa với vai trò là bị hại, bà lặn lội lên Hà Nội thuê trọ để tham dự phiên tòa. Nói trong nước mắt, bà T. cho biết, đến tòa để xem kẻ lừa đảo sẽ bị trừng trị như thế nào chứ thực lòng cũng không hy vọng sẽ lấy lại được tiền.

"Lấy lại được một phần nào để an ủi động viên không. Chứ còn xác định là mất rồi, không làm gì được nữa. Mất hết nhà cửa rồi, không còn gì nữa. Chồng con bỏ hết rồi. Còn gì nữa đâu....", vừa khóc, bà T. vừa nói.

Anh L. (Nghệ An) cũng có mặt tại tòa với hy vọng mong manh, lấy lại được một phần đã trót đầu tư vào Liên Kết Việt. Nhiều năm trước, anh ra Hà Nội làm ăn, bị dụ dỗ vào đường dây này, khi sự việc vỡ lở, công ty sập tiệm, lãnh đạo bị bắt thì số tiền mấy chục triệu anh vay mượn cũng tan theo mấy khói.

Suốt mấy năm qua, anh bám trụ làm thuê ở Hà Nội để lấy tiền trả nợ và chờ đợi một phán quyết của tòa. "Tôi khiếp rồi, sợ quá rồi. Chắc không bao giờ dám tin vào đa cấp nữa", chị M.H (Hà Nội) chia sẻ với PV bên ngoài phiên tòa sáng 22/12.

Khi trả lời HĐXX, bà Đ.T.T. (68 tuổi, ở Quảng Ninh) cho hay, mình đầu tư 86 triệu đồng vào Công ty Liên Kết Việt, với mong muốn được hưởng hoa hồng.

"Ban đầu, tôi chỉ muốn mua 1-2 sản phẩm dùng thử. Nhưng thấy mức trả lãi hoa hồng cao quá nên ham, dồn hết vốn liếng vào mua" - bà T. cho biết.

Theo bà T., nhân viên của Liên Kết Việt liên tục gọi điện giục, mời chào bà mua thêm các gói sản phẩm để có lãi hoa hồng và quà tri ân. Thậm chí, khi bà có ý định mua thêm gói sản phẩm, nhân viên của Liên Kết Việt còn đến tận nhà để đưa bà ra ngân hàng rút tiền.

Cùng hoàn cảnh giống bà T., cụ ông V.T.L. (80 tuổi, Hải Phòng), cho biết hai vợ chồng được người bạn giới thiệu mua một mã sản phẩm.

"Hai vợ chồng tôi nghĩ vừa có thuốc uống vừa có tiền lãi thì cũng tốt. Nhưng đầu tư càng nhiều thì càng bị dụ dỗ là lãi tăng theo cấp số nên chúng tôi rút hết tiền tiết kiệm để mua 11 mã" - ông L. nói.

Sau khi nhẩm tính, ông L. cho biết hai vợ chồng ông đã dồn 275 triệu để đầu tư vào Liên Kết Việt nhưng đến nay mới nhận được 15 triệu tiền "hoa hồng" và vài hộp thuốc.

Nhận diện thủ đoạn dụ "con mồi"

Người nghe bị dẫn dụ "đi nghe thử", "mua dùng thử" các sản phẩm của Liên Kết Việt. Sau đó, các bị cáo dùng chiêu trò "hoa hồng cao" để đánh vào tâm lý ham lãi của nạn nhân. Ngoài ra, Lê Xuân Giang và đồng phạm còn chuẩn bị nhiều bằng khen, giấy khen, thậm chí làm giả cả bằng khen của Thủ tướng để lấy lòng tin của nạn nhân.

Từ vụ hàng nghìn nạn nhân đa cấp Liên Kết Việt: Làm sao nhận dạng “tắc kè hoa”? - Ảnh 2.

Một nữ nạn nhân trong vụ án.

Hơn 5 năm trôi qua, bà T. (Hà Nội) vẫn nhớ lần đầu bước chân vào tầng 4 của toà nhà bề thế tại quận Cầu Giấy khi ấy, những bức tường treo kín bằng khen và nhiều bức ảnh khổ lớn. Hình ảnh Chủ tịch Liên Kết Việt Lê Xuân Giang trong bộ quân phục, cầu vai bậc đại tá, ngực đeo kín huy chương đang tươi cười bắt tay nhiều người mặc quân phục khác đã lập tức xoá tan nghi ngờ của bà T.

"Công ty chúng tôi thuộc Bộ Quốc phòng, được Bộ Công Thương cấp phép để chuyên sản xuất máy khử trùng ozone và thực phẩm chức năng chất lượng cao. Tiền quý vị nộp vào đây sẽ tự động sinh lời nhanh không ngờ, cụ thể ...", bà T. nhớ như in lời người phụ nữ mặc vest nói tại tòa nhà hôm đó. Lập tức, bà trả ngay 25,8 triệu đồng để mua 3 mã sản phẩm.

Sau đó, với thủ đoạn "rót mật vào tai", người của Liên Kết Việt thuyết trình về cơ hội làm giàu "có một không hai" đến từ một trong những chương trình khuyến mãi thành công nhất lịch sử công ty này – "Mùa xuân đại thắng". Ai mua một mã hàng 8,6 triệu đồng được hứa hẹn tặng hoa hồng 3 triệu đồng ngay khi nộp tiền, được thưởng vàng và hưởng "tri ân" dài hạn, tổng hơn 409 triệu đồng.

Nhưng sau khi khách hàng xuống tiền, thì chỉ nhận được vài triệu hoa hồng theo kiểu nhỏ giọt, cho đến khi thông tin các ông trùm trong đường dây đa cấp này bị bắt.

Phải tỉnh táo với kiếm tiền quá dễ

Sau mỗi vụ việc lừa đảo bị cơ quan chức năng bóc gỡ, chúng ta lại giật mình trước những con số thống kê: Số người tham gia, số tiền lừa đảo, chiếm đoạt của vụ sau lớn hơn vụ trước. Có lẽ, chính lòng tham cộng với thiếu hiểu biết của nhiều người trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ kinh doanh đa cấp trái phép gieo mầm, thu lợi bất chính.

Xung quanh câu chuyện này, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng, các đối tượng lừa đảo như Lê Xuân Giang đánh vào lòng tham, sự cả tin và cả sự thiếu thông tin của khách hàng để lừa đảo.

Luật sư Cường phân tích thêm, hình thức kinh doanh, mời chào, dụ dỗ của các tổ chức kinh doanh đa cấp trái phép ngày càng tinh vi, khó nhận biết, kiểm soát, nhất là với sự hỗ trợ của internet và mạng xã hội.

Cách đây khoảng 5 năm, hình thức chủ yếu của các công ty đa cấp là bán sản phẩm kém chất lượng; lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia bằng cách tổ chức các buổi gặp mặt trao thưởng hoành tráng. Giờ đây, khi có nhiều mô hình kinh tế khởi nghiệp, nhất là trên nền tảng thương mại điện tử, các tổ chức kinh doanh đa cấp cũng nhanh chóng hóa mình thành "tắc kè hoa" với những cái tên mỹ miều và viễn cảnh tươi đẹp cùng đích đến là giới trẻ, sinh viên cần tìm việc làm thêm.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cảnh báo, để không sập bẫy đa cấp, rơi vào cảnh "tiền mất tật mang", thậm chí vướng vào vòng lao lý thì trước hết mỗi người phải luôn tự nhắc bản thân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời dụ dỗ tham gia vào các công việc kiếm tiền quá dễ.

Thực tế đã khẳng định, không có mô hình kinh doanh hay phát triển kinh tế nào có thể mang lại siêu lợi nhuận, giúp người tham gia "ngồi chơi cũng có tiền". Kết quả điều tra các vụ việc kinh doanh đa cấp trái phép cho thấy, đối tượng chủ mưu lừa lấy tiền của người tham gia sau để chi tiêu cá nhân và trích một phần trả cho những người tham gia trước nhằm tạo lòng tin. Đến khi hết khả năng chi trả thì các đối tượng cầm đầu nhanh chóng "cao chạy xa bay".


Ngày 26/12, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Lê Xuân Giang mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền hơn 300 tỉ đồng. Cùng tội danh này, các đồng phạm của Giang lần lượt nhận các mức án từ 13 đến 18 năm tù giam.

Hội đồng xét xử xác định, Giang và đồng phạm đã lôi kéo hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, TP khác nhau, thu của họ tổng số tiền hơn 2.100 tỉ đồng. Trừ các chi phí thực tế, các bị cáo chiếm đoạt hơn 1.100 tỉ đồng của những người này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm