Tài xế taxi có thể bị phạt 3 - 10 năm tù
Mới đây, tại TPHCM xảy ra vụ một taxi sau khi va chạm với xe máy làm 2 người đi xe máy văng xuống vỉa hè, bị thương nặng, cô gái sau đó đã tử vong. Điều đáng nói, thay vì cứu người bị nạn thì tài xế taxi lại bỏ đi. Hành vi này của tài xế có thể bị xử lý ra sao, thưa ông?
TS Đinh Thế Hưng: Ở đây phải xét đến hai trường hợp xảy ra có thể xử lý hành vi của tài xế taxi. Trường hợp thứ nhất, trước khi rẽ trái, tài xế đã bật đèn báo hiệu rẽ trái và thời gian bật tín hiệu đủ lâu để báo hiệu xe sắp rẽ hướng. Tức là, tài xế tuân thủ đúng quy định về giao thông đường bộ. Như vậy, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành vi của tài xế theo tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Tội danh và hình phạt quy định tại Điều 132, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Trong trường hợp này, nạn nhân rơi vào trạng thái bất động, không còn nhận thức. Đó là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, tài xế có phương tiện đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng tài xế bỏ mặc nạn nhân vì sợ trách nhiệm. Đây là hành động thể hiện sự vô tâm, thiếu tình người, đủ căn cứ khởi tố.
Ở trường hợp thứ hai, nếu tài xế không tuân thủ quy định về giao thông đường bộ thì sẽ bị xử lý theo Điều 260, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, hành vi bỏ mặc nạn nhân trở thành tình tiết tăng nặng với mức hình phạt từ 3 -10 năm tù.
Luật thiếu nghiêm minh, sinh ra lệ xấu
Nhưng trong Luật Giao thông Đường bộ lại có quy định cho phép lái xe được tạm lánh khỏi hiện trường trong vòng 24h, nhằm bảo vệ tính mạng, tránh những rắc rối từ phía người thân nạn nhân sau vụ tai nạn.
TS Đinh Thế Hưng: Nhiều trường hợp người gây tai nạn ở lại hiện trường thì có thể bị người thân của nạn nhân hoặc của người tham gia giao thông khác hành hung, tấn công, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe thì họ được phép rời khỏi hiện trường (tạm lánh) nhưng phải trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
Tuy vậy, trên thực tế, quy định này cũng vẫn thường bị người gây tai nạn dùng để “lách” nhằm trốn tội. Bên cạnh đó, một vấn đề bất cập nữa là việc đo nồng độ cồn nếu để sau 8 tiếng thì kết quả sẽ không chính xác. Như vậy, nếu lái xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng sau 8 tiếng quay lại thì việc xác định mức độ hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông rất khó chính xác.
Trong thời gian qua, pháp luật ít ghi nhận vụ việc liên quan đến việc lái xe bị người nhà nạn nhân đe dọa tính mạng nhưng lại gia tăng tình trạng lái xe bỏ trốn. Do vậy, không chỉ vin vào quy định người gây tai nạn được tạm rời khỏi hiện trường trong trường hợp nguy hiểm để bỏ trốn luôn, nhiều lái xe còn nhân cơ hội này thay đổi tình tiết vụ việc, thay đổi tài xế nhằm thoát tội.
Cũng có ý kiến cho rằng, mức bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay tính theo luật thì quá thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tính nghiêm minh của luật bị hạn chế?
TS Đinh Thế Hưng: Tôi đồng ý với quan điểm này. Như chúng tôi vẫn nói với nhau, không ở đâu trên thế giới mà mạng người lại rẻ như ở Việt Nam. Do luật quy định mức thấp như thế dẫn đến tâm lý của người khi tham giao thông đi rất ẩu, nếu có xảy ra vấn đề gì thì cũng chỉ đền bù chừng ấy tiền. Hiện nay, tôi được biết là khi ra tòa, nếu xử lý theo như quy định của pháp luật thì chỉ có 200 - 300 triệu đồng là tối đa khi có người tử vong, nên rất nhiều người khi gây ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người thì họ sẵn sàng bỏ số tiền đó ra để bồi thường.
Chính vì quy định như vậy nên đã dẫn đến bất cập là “đẻ” ra lệ cứ bồi thường là xong, cứ vi phạm rồi đền. Lệ này hình thành như vậy thì rất dở, nó ảnh hưởng xấu đến ý thức pháp luật của người dân, đó là cứ theo lệ chứ không theo luật. Nó sẽ dẫn đến tình trạng “vô pháp vô thiên”.
Từ cái lệ đó dẫn đến chuyện có các đối tượng lái xe vô lương tâm, gây tai nạn cho người ta rồi còn cố tình quay sang húc cho nạn nhân chết hẳn. Những vụ việc như vậy đã từng xảy ra đấy thôi. Bởi vì nạn nhân còn sống thì lái xe lại sợ sẽ phải bồi thường nhiều hơn, nghĩa là bồi thường cho người đó, bồi thường cho người chăm sóc, rồi trong một thời gian dài...
Người Việt chưa coi luật là phương tiện bảo vệ mình
Theo ông, giải pháp để giải quyết các bất cập trên là gì? Phải chăng đã đến lúc cần phải “vá” luật?
TS Đinh Thế Hưng: Về nguyên tắc, ở nhiều nước trên thế giới, tất cả các vi phạm giao thông đều quy về tội hình sự, gọi đó là tội vi cảnh. Và về mặt hình sự, họ cũng xử lý rất nghiêm các hành vi vi phạm này. Vì thế mà có rất ít trường hợp lái xe đôi co, cãi vã với cảnh sát. Ở đó chỉ có chuyện nghiêm chỉnh chấp hành. Xe vi phạm, cảnh sát giao thông dán phạt. Lái xe phải chịu hình phạt. Còn nếu không đồng ý thì anh có thể khởi kiện ra tòa. Kiện đấy gọi là kiện hành chính, ra tòa sẽ rất minh bạch, đảm bảo được phân xử ai đúng ai sai.
Còn ở Việt Nam, trong nhiều người nảy sinh một tâm lý rất lạ là bất tuân pháp luật. Tôi có chị bạn đi vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông bắt hụt, thế là về chị ấy sướng âm ỉ đến hàng tuần trời, đi đâu cũng khoe “chiến tích” của mình. Rất lạ lùng! Có vẻ như người Việt ta thích đặt luật ở phía đối lập mình, chứ không coi luật là một phương tiện để bảo vệ mình. Đây là điều phải khắc phục.
Ý thức khi tham gia giao thông của người Việt kém một phần là do thói quen phá luật. Cùng với đô thị hóa, hiện đại hóa thì mới sinh ra văn hóa giao thông, còn trước kia là văn hóa nông nghiệp, văn hóa làng xã. Cho nên từ văn hóa nông nghiệp đến văn hóa đô thị, rồi đến văn hóa giao thông đó là cả quá trình, không hề đơn giản.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Khoản 2, 3 Điều 38 Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định, về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông: Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm: Bảo vệ hiện trường; Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. |
“Việc cứu giúp người bị nạn là trách nhiệm của mỗi người. Mỗi người ngay từ bây giờ nên trau dồi các kĩ năng cấp cứu cơ bản nhất. Việc đầu tiên là gọi cấp cứu 115, gọi cảnh sát 113 để báo về sự việc. Sau đó, dùng điện thoại chụp hoặc quay phim lại hiện trường. Tiếp đó, nên hô hào nhiều người cùng giúp hoặc nhờ họ quay phim lại toàn bộ quá trình cứu giúp người. Nếu người gặp nạn còn tỉnh táo thì hỏi họ cách liên hệ để báo tin cho người thân của họ. Như vậy, ngay khi cảnh sát đến thì có thể bàn giao hình chụp hoặc phim vừa quay được để hỗ trợ quá trình điều tra sự việc nhanh chóng, tránh khỏi việc bị cơ quan điều tra mời đến tường trình sự việc nhiều lần và cũng sẽ không bị người thân của người bị nạn hiểu lầm”, TS Đinh Thế Hưng. |