Tại châu Âu lúc đó, bộ váy cưới lộng lẫy của cô dâu được xem là sự may mắn đối với những cô gái khác chưa chồng. Bởi thế, ở thời điểm tiệc cưới vừa kết thúc, các cô gái đuổi theo cô dâu để tranh giành chiếc váy cưới. Kết quả của việc giành giật là chiếc váy cưới bị xé tan tành thành từng mảnh và bộ dạng của các cô dâu khi đó thường rất khổ sở.
Để ngăn chặn các cô gái tranh giành váy cưới, cô dâu bắt đầu tung những thứ khác đánh lạc hướng họ như găng tay, nịt bít tất. Sau này, thay thế cho nịt bít tất, găng tay là bó hoa cưới và việc tung hoa trong tiệc cưới đã trở thành tục lệ phổ biến. Hoa được coi là “nụ cười của Mẹ thiên nhiên”, tượng trưng cho sắc đẹp, sự sinh sản.
Hoa cũng an toàn khi tung về phía đám đông so với những món đồ khác. Người độc thân nào bắt được bó hoa cưới của cô dâu thường được coi là may mắn và sẽ nhanh chóng có đám cưới.
Ngoài tung hoa cô dâu, trong tiệc cưới người ta còn thấy nghi lễ rắc những cánh hoa. Ở xứ sở sương mù, trong tiệc cưới thường có cô gái mang hoa, vốn là chị em họ hàng bên nhà gái hoặc nhà trai, nhưng cũng có thể là bạn bè của cô dâu - chú rể.
Nhiệm vụ của cô gái mang hoa là đi trước cô dâu chú rể khi bước vào nhà thờ hay phòng cưới để rắc những cánh hoa. Đó như một biểu tượng dẫn dắt đôi uyên ương tới hạnh phúc ngọt ngào, thiêng liêng và lâu bền. Cô gái mang hoa thường kết thành một cặp với nam thanh niên mang nhẫn cưới hay phù rể. Cặp này có thể mặc giống như phiên bản của của cô dâu và chú rể.
Tại Ấn Độ, anh em trai của cô dâu hoặc chú rể tung các cánh hoa lên đầu 2 người để xua đuổi những điều xấu và mang lại may mắn cho cặp vợ chồng mới cưới.
Ở Thụy Điển, chú rể thường mang cỏ xạ hương trong túi và các phù dâu mang bó lá thảo dược có hương thơm để xua đuổi ma quỷ. Trong khi đó, người Italia lại hay tung hoa giấy (confetti) tại đám cưới để cầu chúc cho cô dâu chủ rể nhiều phúc lộc.