Tức ngực, khó thở như bị "bóng đè" vào mỗi đêm, đến bệnh viện khám mới biết là do căn bệnh từ nhỏ

TÚ UYÊN
01/09/2020 - 08:19
Tức ngực, khó thở như bị "bóng đè" vào mỗi đêm, đến bệnh viện khám mới biết là do căn bệnh từ nhỏ
Vào tháng 6 năm nay, anh Tân cảm thấy tức ngực, nghĩ rằng mắc bệnh dạ dày nên anh đến bệnh viện kiểm tra nội soi nhưng kết quả chẩn đoán không sao.

Bác sĩ Quách Đạt Trí, khoa ngoại, bệnh viện Kuang Tien General Hospital, chia sẻ về trường hợp anh Tân (35 tuổi) sống tại Đài Loan. Khoảng 2 năm gần đây, chất lượng giấc ngủ của anh Tân ngày càng kém đi và anh liên tục bị khó ngủ. Vào tháng 6 năm nay, anh Tân cảm thấy tức ngực, nghĩ rằng mắc bệnh dạ dày nên anh đến bệnh viện kiểm tra nội soi nhưng kết quả chẩn đoán không sao.

Dạo gần đây, anh Tân thường tỉnh giấc vào lúc nửa đêm do tức ngực, khó thở như bị bóng đè, anh Tân tin rằng mình bị "quấy rối" trong tháng cô hồn nên đã tìm đến khấn vái nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, thậm chí anh còn xuất hiện thêm dấu hiệu ho ra máu. Nhận thấy bệnh tình trở nặng, anh Tân đã đến bệnh viện khám.

Người đàn ông bị bóng đè vào mỗi đêm, đến bệnh viện khám mới biết mắc bệnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bác sĩ Quách Đạt Trí cho biết: "Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thấp tim, nguyên nhân là do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A khiến hệ miễn dịch phản ứng bằng cách tấn công các cấu trúc tế bào khỏe mạnh dẫn đến triệu chứng sốt, đau khớp, nổi mẩn đỏ hoặc nốt trên da. Khi hệ miễn dịch tấn công tim phổi sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy tức ngực, đau ngực, đánh trống ngực, nếu bệnh tình chuyển biến nặng có nguy cơ gây suy tim và tử vong".

Bệnh tim thấp có thể xảy ra ở lứa tuổi nhi đồng từ 5 - 15 tuổi. Theo kinh nghiệm lâm sàng, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân trên 65 tuổi. 

Qua tìm hiểu tiền sử mắc bệnh, đa số bệnh nhân thuở nhỏ sống trong môi trường nghèo nàn nên dễ nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Theo thời gian, hệ miễn dịch sẽ tấn công tim gây ra bệnh tim mãn tính, cho đến độ tuổi trung niên hoặc về già bệnh nhân mới phát bệnh. Như trường hợp anh Tân là thuở nhỏ mắc bệnh tim thấp nhưng anh không hay biết. Hiện tại, sau khi tiến hành phẫu thuật, sức khỏe của anh đã hồi phục và cảm giác tức ngực đã biến mất.

Bệnh thấp tim (Acute Rheumatic Fever: ARF) còn được gọi là bệnh sốt thấp, bệnh thấp khớp cấp, xảy ra sau khi nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (Beta hemolytic Group A Streptococcus) ở đường họng, miệng. Trong vòng 2 - 3 tuần sau khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây các bệnh tim mắc phải ở trẻ em trong độ tuổi 5 - 15 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ như nhau.

Dấu hiệu chẩn đoán bệnh thấp tim

Viêm tim: Gặp ở 41 - 83% bệnh nhân thấp tim với biểu hiện lâm sàng là nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, hở van 2 lá hoặc hở van động mạch chủ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tim,...

Viêm khớp: Gặp ở 80% bệnh nhân thấp tim. Đây là triệu chứng rất có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh nhưng không phải triệu chứng đặc hiệu hoàn toàn. Biểu hiện của bệnh là sưng, nóng, đỏ, đau khớp kiểu di chuyển: khớp này khỏi thì khớp kia bắt đầu sưng, và không để lại di chứng ở khớp.

Nốt dưới da: Có đường kính 0,5 - 2cm mỗi nốt, nổi dưới da, không đau, di động tự do, có thể mọc đơn độc hoặc tập trung thành từng đám, thường phân bố gần các vị trí khớp lớn như khớp gối.

Hồng ban vòng: Là những ban đỏ không hoại tử, nhạt màu, thường xuất hiện trên thân mình, mặt trong các chi và không bao giờ ở mặt, thường biến mất sau vài ngày.

Theo Tvbs

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm