Tuổi tác chất đầy, ngoại khăng khăng giữ lối sống xưa cũ

Hoàng Tuấn Thanh
02/10/2021 - 08:50
Tuổi tác chất đầy, ngoại khăng khăng giữ lối sống xưa cũ

Ảnh minh họa

Khi mà tuổi tác đã ngày càng chất đầy như đống lá úa sau nhà thì người ta cũng có xu hướng làm này làm kia để gợi nhớ xưa cũ và vận động xương cốt cho khuây khỏa. Sống hơn tám mươi năm dài, những thói quen cũng đã hình thành cố định, nên đôi khi tôi cũng ậm ờ cho qua bởi suy nghĩ đó là “bệnh người già”.

Nhiều năm sau khi trở nên già, ngoại vẫn còn giữ cho riêng mình một nếp sống cũ. Hoặc giả tôi thuộc lớp người trẻ đã khoác trên mình sự tiện nghi của hiện đại bủa vây. Như hôm kia trời trở nóng, tôi định lắp cái máy điều hoà cho mát cửa mát nhà thì đã nghe tiếng ngoại dưới bếp càu nhàu, xài máy lạnh nhiều dễ ngộp, lại rước thêm bệnh viêm xoang vào người. Hồi trước đâu có cái gọi là máy lạnh, mở cửa sổ cho gió lùa cũng đủ mát cả ngày, còn nóng quá thì cầm quạt phe phẩy vậy thôi. Hay chiều qua mua cho đứa cháu cái đồ chơi thổi bong bóng, ngoại cũng ngó chừng thở dài. Hồi đó, toàn hái lá râm bụt băm nhuyễn rồi lấy ống hút thổi, cực mà vui. Bằng cách đó, những hành động hiện tại được ngoại đem ra so sánh giữa mới và cũ, giữa "hồi đó" với "bây giờ" đầy hoài niệm.

Tôi nghĩ chừng chắc ngoại quen với nếp sống cũ và không muốn thay đổi ở hiện tại. Như cái cách ngoại trung thành với chai dầu nhị thiên đường lúc nào cũng để sẵn dưới gối. Hay thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ngoại nấu nước bồ kết để gội đầu, hoặc có hôm đi nhặt nhạnh mấy cành cây khô về nhóm lửa, đổ bánh khọt cho tụi nhỏ thay vì dùng bếp ga tiện lợi... Ốm đau bệnh tật thì ngoại biết cách này nhanh khỏi, thuốc kia mau lành, chẳng phải lo sốt vó hay hớt hải chạy đến bệnh viện nhọc công xa xôi. Những thứ ngoại làm đều của xưa cũ, đôi khi gây ngạc nhiên và ngơ ngác cho người nhìn.

Là vì tôi đã thôi nhớ nhung quá khứ hay vì ngoại vẫn còn lưu giữ cẩn thận những thứ được cho rằng là tốt nhất của một người già? Có lần buột miệng tôi hỏi sao ngoại phải lặn lội tìm về xưa cũ chi cho cực khổ. Ngoại chỉ trả lời hồn nhiên, cực mà vui. Thảng khi tôi cũng nghĩ đó là niềm vui của một người già, giống ngoại. Khi mà tuổi tác đã ngày càng chất đầy như đống lá úa sau nhà thì người ta cũng có xu hướng làm này làm kia để gợi nhớ xưa cũ và vận động xương cốt cho khuây khỏa. Sống hơn tám mươi năm dài, những thói quen cũng đã hình thành cố định, nên đôi khi tôi cũng ậm ờ cho qua bởi suy nghĩ đó là "bệnh người già".

Nhưng tôi đâu biết một phần ý nghĩa của những thói quen qua cái cách ngoại cằn nhằn hay thỉnh thoảng đi ngược với hiện tại. Có thể ngoại biết thế giới ngoài kia đang thay đổi hàng ngày hàng giờ nhưng bản thân ngoại lại chọn lấy cho mình cách sống của mấy mươi năm trước, bởi ngoại biết mấy món đồ chơi mua sẵn hào nhoáng, đẹp đẽ mà tôi mua cho mấy đứa cháu dăm ba ngày sau trở nên chán và vứt xó ở góc nhà. Ngoại biết rằng nếu để chúng tự tìm kiếm và tạo dựng niềm vui từ chính đôi tay mình như thổi bong bóng bằng lá râm bụt, làm diều bằng que tre, đổ sương sa bằng sung chín, làm lồng đèn bằng vỏ lon rỗng... thì chúng đã trân trọng thành quả của mình biết chừng nào. Ngoại biết những hàng quán đắt đỏ trên những con đường của các quốc gia châu Âu, châu Á mà ngoại chưa từng được thử có thể kích thích sự thèm thuồng của mỗi người nhưng ngoại lại tường tận trong nhận thức rằng dù có ăn nhiều sơn hào hải vị đi chăng nữa cũng chẳng bằng mấy món dân dã mà tuổi thơ từng người đã kinh qua, nếu như biết nấu đúng cách, đúng vị như ngoại hay bỏ công chế biến.

Cứ thế, ngoại chấp nhận sống như một kẻ bị cô lập giữa thực tại nhưng ngoại lại là người níu giữ sợi dây gắn liền những giá trị thiết thực của một đời người. Mà điều này thì nhiều lúc tôi lại quên hay chưa bao giờ suy nghĩ tới. Sự lãng quên hồn nhiên đó nhiều lúc khiến tôi không buồn để tâm nhưng nó chính là sự xa cách vô hình đẩy tôi rời xa khỏi vòng tay của ngoại, bởi những thứ trước kia một thời tôi mê mẩn nay bỗng dưng chối từ, đó là sự mất mát hồn nhiên gây buồn cho những trải nghiệm mà ngoại cất công chỉ dẫn.

Và đôi lúc, tôi chợt giật mình khi năm tháng đã dắt tay tôi đi rất xa cuộc đời, không biết thời gian có còn nhân từ để ngoại buông thêm vài lời trách móc?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm