Nâng điểm cao chót vót để từ chối thí sinh
Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận một vài trường hợp hi hữu. Trường ĐH Đồng Nai hai năm liên tiếp nâng điểm chuẩn một số ngành lên cao chót vót nhằm cố tình loại hết toàn bộ thí sinh đăng ký.
Năm ngoái, trường nâng điểm chuẩn của hai ngành Sư phạm Sinh học và Sư phạm Lịch sử lên mức 22,5 điểm để đánh trượt toàn bộ thí sinh vì quá ít người theo học, không thể mở lớp. Còn năm nay, trường tiếp tục thông báo điểm chuẩn cao bất thường cho một số ngành như Sư phạm Vật lý (24,7), Sư phạm Lịch sử (22,6), Quản lý Đất đai (20,8 điểm). Hiện tượng này cũng diễn ra ở hệ cao đẳng của trường khi trong số 8 ngành, chỉ có ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học có thí sinh trúng tuyển (điểm chuẩn 16). Năm ngành còn lại đều có điểm chuẩn cao với 2 ngành 16 điểm, 3 ngành từ 19 điểm, trong đó ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn lên đến 19,8.
Đại diện trường ĐH Đồng Nai lý giải, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã thống nhất nâng điểm chuẩn một số ngành lên mức cao hơn mức điểm cao nhất của thí sinh có thể trúng tuyển vì các ngành này chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, nhiều nhất cũng chừng 5 em nên không đủ để mở lớp. Việc nâng điểm là để thí sinh không thể trúng tuyển vào trường nhưng đồng thời cũng chính là tạo cơ hội cho các em tham gia xét tuyển đợt sau.
Được biết, đây không phải là trường ĐH duy nhất đánh trượt thí sinh vì không đủ lượng thí sinh đăng ký. Năm 2018, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng đã phải lấy điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn lên 23 điểm vì chỉ có duy nhất 1 thí sinh đăng ký, không đủ điều kiện mở lớp.
Hạ điểm thấp tối đa để “vơ bèo vạt tép”
Trong khi đó, nhiều trường khác lại đang thiếu nguồn tuyển nên đã hạ thấp điểm chuẩn đến mức tối đa để “vơ bèo vợt tép”, với mức điểm chỉ từ 13 – 15 điểm. Cụ thể, các trường ĐH thành viên của ĐH Thái Nguyên lấy mức điểm chuẩn các ngành phổ biến là 13 - 14 điểm, chỉ một số ít ngành có mức điểm chuẩn từ 15-17 điểm.
Tại trường ĐH Bạc Liêu, bậc Đại học điểm chuẩn là 14 điểm; bậc Cao đẳng cao nhất là 18,5 điểm, thấp nhất 12 điểm. Có 10 ngành đào tạo Đại học cùng 14 điểm là: Công nghệ thông tin, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Ngôn ngữ Anh, Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Khoa học môi trường.
Cách làm thiếu trách nhiệm của nhà trường
Với những trường hợp trớ trêu như ĐH Đồng Nai, ĐH Gia Lai, phải cố tình nâng điểm chuẩn cao để đánh trượt thí sinh, nhiều chuyên gia cho rằng cách làm này là thiếu công bằng với thí sinh.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đây là cách làm thiếu trách nhiệm của nhà trường. Và nếu vì quyền lợi thật sự của thí sinh, trường cần liên hệ những nơi tuyển cùng ngành nghề, thương lượng chuyển thí sinh đến đó đào tạo. “Nếu trường giải thích rõ, người học và cha mẹ các em sẽ hiểu và thông cảm. Đây là cách làm hợp tình, hợp lý, thể hiện thái độ có trách nhiệm của trường đối với thí sinh, thay vì bỏ mặc các em như vậy” – ông nói.
Ảnh hưởng đến chính sách phân luồng sau THPT
Về việc các trường top dưới đang cố tình hạ điểm để vớt người học sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đầu ra và việc tuyển sinh của khối trường nghề. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.Hồ Chí Minh cho rằng, chất lượng đầu vào là một nhân tố quyết định đến chất lượng sinh viên đầu ra. Nếu học lực ở bậc phổ thông của sinh viên quá thấp thì sẽ gặp khó trong tiếp thu kiến thức ở bậc đại học. “Việc các trường ấn định mức điểm sàn thấp quá, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh đầu vào, khó khăn cho quá trình đào tạo mà còn ảnh hưởng đến chính sách phân luồng sau trung học phổ thông của Chính phủ”- ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.
Theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng và đến năm 2025 tỉ lệ này phải lên đến 45%. Như vậy, các trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và tiếp theo là các trường trung cấp sẽ là chịu thiệt nhất của việc xét trúng tuyển ở mức điểm quá thấp của một số trường đại học.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, với các trường hợp quá ít nguồn tuyển, nhà trường nên báo cáo Bộ GD&ĐT để có biện pháp xử lý. Và ông cũng đồng tình với việc Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng rà soát các trường để tiến hành sát nhập, đóng cửa những trường có ngành không tuyển được người học.
Cần phân loại các trường có điểm trúng tuyển thấp
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần phải phân tích nguyên nhân và phân loại các trường có điểm trúng tuyển thấp để có cách xử lý phù hợp. Ngoài các trường cố tình hạ điểm thấp để “vơ” thí sinh thì còn có những trường như khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi… ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung vì xã hội cho là những ngành nghề này không hấp dẫn.
“Nhóm ngành này bên cạnh việc nâng cao chất lượng còn cần phải có đầu tư, ưu đãi với người học, với người lao động trong ngành và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh” – bà Phụng quả quyết. Nữ Vụ trưởng đồng thời khẳng định, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường này để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng trong dạy và học, đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. |
Gần 50% trường tuyển đủ chỉ tiêu sau đợt 1 Theo Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt 1 xét tuyển, số thống kê có khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có 26% tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo. Năm nay, các nhóm xét tuyển được mở rộng hơn, có 90 trường phía Nam và 53 trường phía Bắc tham gia. |