Cứ mỗi lần đưa bé Cốm (2,5 tuổi) đến phòng khám hô hấp, chị Lê Minh Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) lại đứng ngồi không yên vì con không chịu hợp tác với bác sĩ. “Mỗi lần để con có thể mở miệng cho bác sĩ soi họng hoặc ngồi yên để soi mũi rất khó khăn, bé thường chống đối, khóc thét lên sợ hãi nên việc khám rất mất thời gian. Quan trọng là mình sợ bé bị ám ảnh về sau, dẫn đến việc sợ đến phòng khám!” - chị Minh Hạnh khổ sở chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Thành Hưng (Minh Khai, Hà Nội) đến kỳ khám răng của con trai út (3 tuổi) là phải năn nỉ đủ kiểu. Đến phòng khám, bố thì giữ tay, còn mẹ ôm vào lòng và ngồi cùng để bác sĩ khám. Anh Hưng cho biết: “Tôi thường phải đưa cháu đến bác sĩ chuyên khám cho trẻ em, bác sĩ có kỹ năng và sự kiên nhẫn, giúp con tôi không quá sợ hãi!”.
Đập tan nỗi sợ đi bác sĩ của bé là điều khó khăn của nhiều bố mẹ. Ảnh minh họa internet. |
Theo các bác sĩ phòng khám Nhi Việt (Quận Đống Đa, Hà Nội), trí nhớ phát triển của bé nhắc bé rằng, mỗi khi bị đau ốm là bé phải đi gặp bác sĩ. Bởi thế, ám ảnh bác sĩ trong tâm trí của bé là bị đau. Nếu trước kia, khi còn nhỏ, bé thường quên ngay những việc đã xảy ra, như đi khám bác sĩ thì bây giờ, bé nhớ được nhiều sự kiện không mấy dễ chịu, trong đó có việc được mẹ đưa đi khám bệnh.
Trước nỗi sợ hãi này, bác sĩ khuyên cha mẹ cần trang bị một số kỹ năng nhất định: Tuyệt đối không nên trêu chọc hoặc coi thường nỗi sợ hãi này của bé. Thay vào đó, nên cho bé thấy sự cảm thông và chia sẻ, trấn an từ mẹ để nỗi sợ bác sĩ trong bé sớm tan biến.
- Lựa chọn thời điểm khám thích hợp. Tốt nhất là lúc bé không bị đói, mệt, tránh giờ cao điểm để bé không phải chờ đợi lâu.
- Tìm kiếm sự hợp tác của bác sĩ. Mẹ có thể gọi điện trước và thông báo điều này với bác sĩ nhi của bé. Bác sĩ sẽ hỗ trợ cùng mẹ giúp bé bớt hoảng hốt khi đi khám.
- Cho bé sự thoải mái. Mẹ có thể cho bé mang theo đồ chơi yêu thích hay một chút bánh kẹo. Trường hợp bé khóc, mẹ hãy an ủi bé là không sao nhưng vẫn cần cho bé khám xong mới về, không bỏ cuộc chỉ vì con quấy khóc.
- Khen ngợi khi bé khám xong. Khi khám xong, mẹ hãy động viên bé, bất kỳ sự tiến bộ nào của bé cũng cần được mẹ khen ngợi. Ví dụ: “Hôm nay con ít khóc hơn những lần khám trước. Mẹ rất tự hào vì con”… Sau đó, có thể dẫn con đi chơi, đi ăn món con yêu thích để con nhanh chóng cân bằng tâm lý, quên đi cảm giác sợ hãi trước đó.
Về lâu dài, cha mẹ nên tạo dựng cho bé suy nghĩ dễ chịu nhất về bác sĩ bằng cách chọn những cuốn sách kể về bác sĩ với hình ảnh và nội dung thân thiện để đọc cho bé. Mẹ cũng có thể sắm cho bé bộ đồ chơi bác sĩ và để bé thực hành cùng mẹ. Tuyệt đối không mang hình ảnh của bác sĩ ra để dọa con như nhiều mẹ vẫn làm “Con không ăn, mẹ nói bác sĩ tiêm vào mồm!” ...