Chỉ vì một chút xích mích nhỏ mà nàng bỗng nhiên bị chồng đánh. Việc này thực sự là một cú sốc với nàng. Nàng sốc là bởi 2 đứa đã có quãng thời gian yêu nhau dài, sâu sắc và mới kết hôn được hơn 1 tháng. Nàng sốc là bởi chưa bao giờ nghĩ chồng lại tiềm ẩn trong mình cái thói gia trưởng, vũ phu.
Sau những ngỡ ngàng, đau xót, giận dữ, nàng nhìn trừng trừng vào mắt chồng một lúc rồi xoay người đóng sập cửa, bỏ đi. Ban đầu, nàng tính về nhà bố mẹ đẻ để tố tội chồng, để khóc cho thỏa. Nàng tính gọi điện cho cô bạn thân rủ đi cà phê để giãi bày, trút bầu ấm ức. Nhưng sau, nàng đã chọn cách chỉ đi lang thang ngoài phố một mình. Không phải nỗi ấm ức đã vơi đi mà bởi nàng cảm thấy vô cùng xấu hổ. Nàng khó có thể nói ra điều mình bị chồng đánh với bất kỳ ai.
Nàng âm thầm chịu đựng và tự xoa dịu đau đớn vì sợ và xấu hổ
***
Nửa đêm, nàng quay trở về nhà. Cú sốc vẫn còn nguyên trên gương mặt kèm thêm nhiều dự định “lạnh lẽo” với chồng. Nhưng chồng nàng thì khác. Trong lúc nàng bỏ đi, anh tự nguyện vào bếp, nấu cơm và ngồi đợi vợ. Vừa nhìn thấy nàng bước vào, anh cười, trở về với đúng con người tử tế, biết yêu thương mà nàng từng biết, từng yêu. Anh chạy ra, dắt nàng lại mâm cơm, kéo ghế mời nàng ngồi rồi gắp thức ăn cho nàng. Cách hành xử ấy giống hệt như vài tiếng trước đó. Việc anh trừng mắt, giơ tay tát vào má nàng là việc chưa từng xảy ra.
Khi nàng không thể ăn nổi cơm và buông lời hỏi thẳng: “Tại sao anh lại làm thế?”. Biết không thể lảng tránh ánh mắt đang nhìn thẳng của nàng, anh nói rằng đã rất hối hận, lúc ấy rất cáu, tại nàng không nghe lời anh, anh thấy không kiểm soát được nàng, anh thấy mệt, cáu không kiềm chế được… và anh xin lỗi nàng. Xin lỗi một cách tha thiết, mong nàng bỏ qua! Ánh mắt anh chân thành đến mức nàng đã tin rằng đây đúng là tai nạn hi hữu và nó sẽ không còn lặp lại nữa. Sau đó, nàng đồng ý tha lỗi cho anh và vợ chồng lại vui vẻ, hòa thuận.
***
Song, đúng như người ta từng nói, kẻ đã vung tay lên được một lần thì sẽ có lần thứ hai và vòng tròn bạo lực trong gia đình là có thật, luôn diễn ra theo một chu trình nhất định! Vài tháng sau lần bị chồng đánh đầu tiên, nàng lại bị chồng đánh lần hai. Đó là hôm anh hẹn vợ về sớm để 2 đứa cùng ra ngoài có công chuyện. Vợ ở nhà đợi mãi, đợi mãi không thấy chồng về. Gọi điện thì không nghe máy. Đến tối mịt anh về, người đầy mùi rượu bia. Vợ đang cơn giận nên cáu chồng. Chồng lừ lừ nhìn vợ bằng đôi mắt đỏ ngầu. Lời qua tiếng lại một chút, thế là cãi nhau. Thế là cái bàn tay kia lại lần nữa vung lên, tát vào gương mặt nàng.
Nhưng cơn ác mộng 'bạo lực' trong gia đình nàng không chấm dứt
Rồi sáng hôm sau, chồng lại biện minh “là do rượu”, chồng lại dậy sớm hơn mọi ngày, chăm chút cơm nước cho vợ, xăng xái đưa vợ đi làm, xin lỗi vợ tha thiết, hứa hẹn sẽ không tái phạm rất chân thành… Nàng im lặng chịu đựng một mình, dùng dằng, giận dỗi, thất vọng, khóc lóc một vài hôm rồi cũng nguôi ngoai, cũng muốn bỏ qua, rồi lại tha thứ. Để rồi sau đó, những lần nàng bị chồng đánh cứ tiếp tục tăng lên, lần thì do rượu, lần do bia, lần do ức chế thần kinh vì công việc, lần do mệt mỏi và thậm chí là có những lần chẳng vì lý do gì, chỉ tự nhiên thấy cáu…
***
Có lẽ, nàng sẽ còn tiếp tục tha thứ và giấu diếm những xung đột ấy trong gia đình nếu như không có một ngày chồng đừng vung tay lên quá mạnh. Những cú đánh của chồng đã khiến nàng tím bầm một bên má và sái một bên vai. Nàng buộc phải vào bệnh viện để chụp chiếu. Trong lúc ngồi ngoài ghế đợi bác sĩ, nàng chứng kiến cảnh một phụ nữ cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình đang được người nhà đưa đến cấp cứu, rất nguy kịch. “Nó xấu hổ, cứ cam chịu bị chồng đánh, cứ giấu suốt thành ra có ngày nguy hiểm đến tính mạng thế này đấy!” - mẹ của nạn nhân ngồi ghế bên vừa khóc vừa giãi bày câu chuyện của con gái mình. Nàng đột nhiên mím môi, thấy tim đau nhói…
Hôm ấy, trên đường từ bệnh viện về, nàng quyết định sẽ không giữ cái sĩ diện của mình nữa, không giấu diếm và không khoan nhượng nữa. Nàng về nhà ngoại. Nàng muốn kể với mẹ chính xác nguyên nhân của vết bầm trên má. Nàng muốn nhờ bố mẹ triệu tập cuộc họp gia đình có đầy đủ thành viên 2 bên nội ngoại tham dự. Nàng muốn có sự tư vấn, trợ giúp, can thiệp về tâm lý, luật pháp của mọi người để giúp chồng nàng “thoát” khỏi tư tưởng dùng vũ lực.
Phòng tránh bạo lực tái diễn
- Cần hiểu rõ căn nguyên của bạo lực là do tư tưởng gia trưởng, thích dùng sức mạnh, quyền lực của bản thân để giải quyết vấn đề.
- Không dễ dàng nhân nhượng, tha thứ ngay từ lần đầu để tránh hành vi bạo lực leo thang.
- Tránh không để bạo lực trở thành một thói quen thường xuyên trong gia đình.
- Không giấu diếm, cam chịu một mình.
- Hãy lên tiếng và tìm sự trợ giúp về tâm lý, pháp luật.
|