Theo thông cáo báo chí của Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) Việt Nam, với việc trở thành một khu Ramsar quốc tế, Vườn quốc gia U Minh Thượng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đặc biệt của mình ra cộng đồng thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước trong tương lai.
Đồng cỏ ngập nước theo mùa sen lẫn tràm, sậy. |
Thông cáo báo chí cho biết, đây cũng là cơ hội để kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đầm lầy ngập nước với thảm thực vật thủy sinh, được xem như hệ sinh thái tiêu biểu của vùng đầm lầy đất than bùn vùng U Minh khi xưa, một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu thì vùng đầm lầy than bùn lại có ý nghĩa lớn trong việc giảm nhẹ nguy cơ này do có khả năng lưu trữ và tích tụ khí thải C02 trong đất than bùn cao hơn hẳn các loại đất khác.
Sinh cảnh mở, thực vật thủy sinh. |
Ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Việt Nam còn 7 nơi được công nhận khu Ramsar thế giới là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau), Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Xuân Thủy (Nam Định), vùng ngập nước Bàu Sấu tại Đồng Nai (thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên), Ba Bể (Bắc Kạn), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Láng Sen của Long An.
WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí.