pnvnonline@phunuvietnam.vn
U30 suýt mất mạng khi sinh con lần 3
Những biến chứng khi mang thai, sinh nở là điều mà không bà mẹ nào có thể lường trước được. Dù đã trải qua những lần sinh đầu an toàn, khỏe mạnh, các mẹ cũng không thể tránh khỏi nguy cơ bị đe dọa tính mạng trong lần sinh sau.
Mới đây, các bác sĩ tại bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An đã cứu sống một trường hợp như vậy.
Sản phụ tên Trần Thị Thanh L. (28 tuổi, sống tại Nghi Lộc, Nghệ An) đã 2 lần mang thai và sinh nở khỏe mạnh. Lần mang thai thứ 3 này, sản phụ được quản lý khám thai thường xuyên và chuyển dạ sinh thường em bé nặng 2900g tại bệnh viện huyện.
Chị L. gặp biến chứng đờ tử cung sau khi sinh bé thứ 3.
Tuy nhiên, không giống như 2 lần sinh trước, lần này, sau sinh bé 2 tiếng, chị L. bắt đầu xuất hiện tình trạng ra máu ồ ạt. Được các cán bộ y tế tuyến huyện dùng thuốc tăng co tử cung, cầm máu, truyền máu nhưng không có kết quả khả quan, chuyển biến xấu rất nhanh, nguy cơ tử vong hiện rõ...
Tình huống khẩn cấp, chị L. được chuyển lên bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An trong tình trạng hôn mê, mạch khó bắt, âm đạo chảy máu rất nhiều.
Một cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ sản khoa, gây mê hồi sức được diễn ra nhanh chóng, nhận định ngay đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn, sản phụ sẽ tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Rất nhanh chóng, chị L. được chuyển lên phòng mổ cấp cứu với chẩn đoán hôn mê, sốc mất máu do đờ tử cung sau đẻ, theo dõi vỡ tử cung. Lên tới phòng mổ, chị xuất hiện dấu hiệu ngừng tim, đồng tử hai bên giãn.
Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ tử cung để giữ tính mạng chị L.
Ê-kíp phẫu thuật sản khoa và gây mê quyết tâm cứu chị L. Các bác sĩ hồi sức tích cực, khẩn trương mở bụng, tử cung bệnh nhân có đường vỡ dưới phúc mạc lan lên thành chậu bên phải, kèm tụ máu dưới phúc mạc. Bác sĩ sản khoa quyết định cắt tử cung hoàn toàn, khẩn trương cầm máu. Bác sĩ gây mê hồi sức tích cực, truyền bù máu cấp cứu cho bệnh nhân.
Sau mổ, đồng tử chị có dấu hiệu phản xạ ánh sáng và bắt đầu co lại. Tuy nhiên, tính mạng của bà mẹ 3 con vẫn bị đe dọa vì chảy máu sau mổ vẫn còn, rối loạn đông máu. Chị được chuyển theo dõi hậu phẫu tại khoa Hồi sức ngoại, tiếp tục truyền máu, thở máy, hồi sức tích cực.
Hiện tại sức khỏe của chị L. đã ổn định và đang tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
24 giờ sau mổ, chị L. đã tỉnh lại, da và niêm mạc hồng lên, dẫn lưu không còn ra máu, tình trạng toàn thân cải thiện tốt hơn. Hiện tại, sau 10 ngày phẫu thuật, bà mẹ này đã thôi thở máy, rút nội khí quản và được chuyển về khoa Phụ sản trong tình trạng vui vẻ, sức khỏe khả quan.
Dù đã không còn tử cung, đồng nghĩa với việc mất đi khả năng làm mẹ, không thể đẻ được nữa nhưng tất cả những điều ấy đều đáng giá vì chị L. đã giữ lại được tính mạng khi thực sự đã "một chân bước vào cửa tử".