pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ứng dụng Di cư an toàn trên điện thoại hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài
Tư vấn, tuyển sinh lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Colab
Những năm qua, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng tăng cao. Hiện nay, nước ta có khoảng 650 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê, năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 152.000 lao động; trong đó có 54.700 lao động nữ.
Theo khảo sát của GFCD, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước, đã tác động không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt và sinh kế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều lao động ở nơi đất khách quê người, đặc biệt là lao động nữ chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Cụ thể như lao động nữ đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập - Xê út, Đài Loan (Trung Quốc); thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhiều lao động hạn chế tiếp cận những thông tin về dịch bệnh tại nước sở tại, chưa được cập nhật những kỹ năng cần thiết khi gặp những tình huống khẩn cấp như bị bạo hành, quỵt lương, xâm hại; hoặc chưa được cung cấp đầy đủ các địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ khi làm việc ở nước ngoài…
Để cập nhật thông tin, trang bị thêm các kỹ năng và các hoạt động hỗ trợ cần thiết khi làm việc ở nước ngoài, GFCD vừa đưa vào hoạt động ứng dụng (App) "Di cư an toàn" trên điện thoại thông minh. Người lao động có thể tải và sử dụng theo các bước sau:
Bước 1: Tìm kiếm và tải App "Di cư an toàn" trên CH play (hệ điều hành Androi) hoặc AppStore (hệ điều hành IOS) của điện thoại thông minh
Bước 2: Chọn thị trường lao động
Người lao động có kế hoạch đi làm việc ở nước ngoài, hoặc đang làm việc tại các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Ả Rập - Xê út có thể lựa chọn truy cập vào thị trường mình cần tìm kiếm thông tin, hỗ trợ.
Bước 3: Chọn các Tab thông tin, tiện ích
Các Tab thông tin cập nhật thông tin về quốc gia, vùng lãnh thổ người lao động đã truy cập gồm có thông tin cơ bản như vị trí địa lý, hành chính, dân số, ngôn ngữ, kinh tế…
Đặc biệt, Tab cung cấp thông tin về các ngành nghề tuyển dụng, Điều kiện tuyển dụng, Quy trình, thủ tục và các Quy định pháp luật liên quan.
Đồng thời có các tiện ích về hướng dẫn kỹ năng nghề, các kỹ năng mềm cho người lao động làm việc ở nướ ngoài. Đặc biệt, ứng dụng cung cấp chi tiết các số điện thoại, địa chỉ các cơ quan quản lý lao động, Đại sứ quán; các số điện thoại liên lạc khi có yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp…
Tính đến nay, các thị trường tiếp nhận đông lao động Việt Nam như: Nhật Bản 82.703 lao động, Đài Loan 54.480 lao động, Hàn Quốc 7.215 lao động, Rumani 3.478 lao động, Ả rập - Xê út 1.375 lao động, Malaysia 454 lao động, Macao 401 lao động...