ĐBQH: "Lao động chui" làm việc ở nước ngoài đối diện nguy cơ bị bạo lực, xâm hại

H.H
17/06/2020 - 17:35
ĐBQH: "Lao động chui" làm việc ở nước ngoài đối diện nguy cơ bị bạo lực, xâm hại

Hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Tại phiên thảo luận chiều 17/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, "lao động chui" không có hợp đồng phải đối diện với nhiều rủi ro, bị bạo lực, xâm hại; không được hưởng chính sách hỗ trợ. Các đại biểu cũng kiến nghị đưa đối tượng này vào điều chỉnh trong dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Chiều nay (17/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đa số đại biểu bày tỏ đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều ở dự thảo luật này. 

Về vấn đề bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho rằng: Từ khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thì số lượng người đi ngày càng tăng, trung bình mỗi năm có 100 ngàn lao động.

Chỉ trong 11 tháng năm 2019, số lượng người Việt đi làm ở nước ngoài đã hơn 132 ngàn người. Theo đại biểu Tô Văn Tám, ngoài con đường chính thức, nhiều lao động đi theo con đường "không chính thức", lao động chui ở nước ngoài.

Người đi làm ở nước ngoài có thu nhập khá, cải thiện được đời sống gia đình, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng: Họ lại phải đối mặt với những rủi ro, bị bạo lực, xâm hại… ví dụ vụ việc đau lòng và gây rúng động dư luận vào năm 2019, có 29 người Việt Nam bị thiệt mạng trong xe tải ở Anh; những vụ việc người lao động bị đánh đập, ngược đãi ở Ả rập Xê-út... 

Đại biểu này cho biết thêm, khảo sát cho thấy trong quá trình làm việc thì 76% người lao động Việt Nam di cư đối diện với những hình thức vi phạm lao động và ít được tiếp cận các biện pháp giải quyết.

Qua đó, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, việc sửa đổi luật này là cần thiết. Trong dự thảo đã có quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi, tại điểm e khoản 2 Điều 8 và tại các Điều 16, Điều 18, Điều 21; cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan ngoại giao, lãnh sực (tại khoản 1, Điều 73)... Qua đó đảm bảo danh dự nhân phẩm, tự do của lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo đại biểu Tám cho rằng, cơ chế bảo vệ người lao động ở nước ngoài như thế nào thì chưa được rõ nét trong dự thảo luật. Do vậy, đề nghị làm rõ thêm để bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

ĐBQH: "Lao động chui" làm việc ở nước ngoài đối diện nguy cơ bị bạo lực, xâm hại - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Văn Đức, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, phát biểu

Còn đại biểu Lưu Văn Đức, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, quan tâm tới vấn đề lao động di cư tự do đi ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, không có hợp đồng. Đại biểu này dẫn thống kê của một số bộ, ngành cho thấy, khá đông người Việt Nam đi làm việc trái phép ở nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc…

Cụ thể, mỗi năm có tới 250 ngàn lượt người lao động vượt biên qua vùng biên giới phía Bắc sang làm việc, kinh doanh trái phép ở Trung Quốc. Qua đó đặt ra vấn đề an ninh trật tự, bảo vệ công dân, quản lý dân cư…

Mặc dù vậy, theo đại biểu Đức, hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh đối tượng lao động này. Chính vì thế làm phát sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý lao động và giải quyết các vấn đề liên quan tới quyền và nghĩa vụ của người lao động.

Cùng với đó, người lao động đi làm việc trái phép ở nước ngoài không theo hợp đồng, nên họ không có được những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong toàn bộ quá trình trước - trong - sau khi về nước.

Đây là vấn đề cần được quan tâm và xử lý, theo đó, đại biểu này kiến nghị bổ sung các quy định liên quan tới lao động đi làm bất hợp pháp được quy định ngay trọng Luật này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm