Ủng hộ con trở thành… người lớn

20/02/2016 - 09:54
Chị Trần Mai Giang (Q.5, TPHCM) chia sẻ, lúc nhỏ, con chị rất cởi mở, quấn quít và biết nghe lời bố mẹ, nhưng từ khi con vào cấp 2, chị rất buồn vì có cảm giác con luôn giữ khoảng cách với cha mẹ.
 Cha mẹ nên tìm cách kết thân với con - Ảnh minh họa: Internet

“Con tỏ ra bướng bỉnh hơn, thậm chí còn cãi lại cha mẹ. Tôi bảo cháu làm gì đó thì cháu cố tình làm ngược lại dù biết lời tôi nói không sai. Tôi không muốn mẹ con căng thẳng như vậy. Tôi cần phải bảo vệ con, nhưng không biết phải làm gì?”, lo lắng của chị Giang cũng là tâm trạng mà nhiều phụ huynh có con tuổi vị thành niên đang vướng vào.

Từ kinh nghiệm thực tế, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà phân tích: Trẻ ở độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi - lứa tuổi các con bắt đầu dậy thì, có sự thay đổi về tâm sinh lý. Trong giai đoạn này, nhiều trẻ bắt đầu suy nghĩ và cố gắng tìm hiểu bản thân. Đặc trưng tâm lý ở lứa tuổi này là “nổi loạn” nên trẻ luôn làm ngược lại mọi quyết định của bố mẹ. Bạn càng cố quan tâm đến con thì con càng tỏ ra không hợp tác, thậm chí muốn bố mẹ hãy để mặc mình. Do con chưa đủ những trải nghiệm, nhưng luôn đòi hỏi sự độc lập nên nhiều cha mẹ cảm thấy con bướng bỉnh, khó bảo, khó hiểu.

Có một số cách giúp cha mẹ kết thân với con tuổi dậy thì:

- Cha mẹ nên nói chuyện và cung cấp kiến thức cho con về tuổi dậy thì. Bằng cách này, bạn sẽ giúp con không bị lúng túng trước những thay đổi của cơ thể, tâm lý cũng như tính cách.

- Cha mẹ nên chứng minh mình hiểu và ủng hộ con “trở thành người lớn” bằng cách đồng ý cho con có quyền ra một số quyết định và tôn trọng quyết định đó của con. Nhờ vậy, bạn cũng sẽ xây dựng được mối quan hệ thân thiết với con.

- Cha mẹ hãy lắng nghe và tìm cách thấu hiểu con bằng cách đặt mình vào vị trí, lứa tuổi của con. Khi bạn lắng nghe và chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc của con thì con bạn cũng dễ dàng tin tưởng và lắng nghe bạn.

- Cha mẹ nên kiểm soát cảm xúc tức giận hoặc tâm trạng buồn của mình về con nếu con chưa được như bạn mong đợi. Cho dù con không nghe lời, bạn vẫn nên dành thời gian để nói chuyện với con hàng ngày. Vì con bạn vẫn cần những chia sẻ và hướng dẫn của cha mẹ.

- Cuối cùng, cha mẹ hãy luôn thể hiện tình yêu vô điều kiện với con vì dù thế nào bạn vẫn luôn ở bên và ủng hộ con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm