Theo kinh nghiệm của tôi, khi con ăn vạ, hãy bế con vào phòng riêng, khóa cửa lại, để ông bà và mọi người xung quanh không can thiệp vào việc xử lý này. Tiếp đó đặt con xuống, dọn dẹp sao cho đảm bảo xung quanh con không có gì nguy hiểm. Bật quạt nếu trời nóng và để sẵn khăn mặt cho con tùy nghi sử dụng.
Nếu con “bày trò” nôn ọe thì hãy chuẩn bị chậu và khăn lau nhưng hãy để nguyên cho con tự xử. Sau đó, bố mẹ có thể cắm dây vào tai nghe nhạc, mắt vẫn không ngừng quan sát con.
Trẻ con ở tuổi lên 3 xuất hiện nhiều hơn những cơn ăn vạ, cáu bẳn, thậm chí cả gào thét. Ảnh minh họa: Internet
Sau khi con đã nín khóc và quên chuyện ăn vạ, đừng giáo huấn bởi trẻ tuổi này sẽ không hiểu hết được. Hãy đứng dậy làm việc khác mà coi như vụ ăn vạ chưa hề xảy ra, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc. Bố mẹ yên tâm là trẻ đủ khôn ngoan để biết rút kinh nghiệm. Kiên nhẫn xử lý khoảng 3 đến 5 lần, việc ăn vạ sẽ giảm dần và mất hẳn.
Khi con ăn vạ tại những nơi công cộng như siêu thị, bố mẹ cần “thản nhiên” bỏ đi. Dĩ nhiên, vẫn phải nhìn lại sau nhưng đừng cho con thấy. Con sẽ nhanh chóng đứng lên và chạy theo bố mẹ. Việc này sẽ còn xảy ra thêm vài lần nữa nhưng rồi con sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm và giảm ăn vạ.
Khi cả nhà chuẩn bị đi đâu đó mà con ăn vạ thì cha mẹ hãy giả vờ nhanh nhẹn dọn dẹp đồ đạc để đi chơi và ra khỏi nhà thật nhanh. Yên tâm rằng con sẽ lao vút ra ngoài theo bố mẹ ngay. Dĩ nhiên sẽ kèm theo vài cơn nức nở nhưng rồi con sẽ nguôi nhanh chóng khi ngồi lên xe.
Dạy con từ đầu thì dễ, khi con đã có gì đó không ổn thì xử lý sẽ khó hơn nhiều và đòi hỏi cha mẹ cần có sự kiên nhẫn, bản lĩnh.