Ung thư đại tràng là gì? Tìm hiểu chung về bệnh ung thư đại tràng

Anh Dũng
03/04/2021 - 07:17
Ung thư đại tràng là gì? Tìm hiểu chung về bệnh ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một bệnh lý khá phổ biến ở nước ta và xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Bệnh có khả năng gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới chỉ sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Tuy rằng các số liệu đều chứng minh rằng ung thư đại tràng có khả năng gây tử vong cao thứ 4, chỉ sau ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan. Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn cho rằng, ung thư đại tràng đứng hàng thứ hai, hoặc thậm chí ngang hàng với ung thư gan nguyên phát.

Trên thực tế, chuyên gia y tế cũng đã ghi nhận rằng, đối với những bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư đại tràng, số người có thể sống thêm được 5 năm nhiều hơn so với số bệnh nhân bị ung thư dạ dày, ung thư gan hoặc ung thư thực quản.

1. Ung thư đại tràng là gì?

Hiểu rõ hơn về bệnh ung thư đại tràng là gì, thực chất ung thư đại tràng là một loại ung thư thường gặp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới.

Được biết, ung thư đại tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi các tổn thương tiền ung thư. Tuy nhiên, nếu ung thư đại tràng phát hiện muộn thì khả năng điều trị rất ít đem lại hiệu quả.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Người bình thường có đại tràng dài trung bình khoảng 1.5m, đôi khi có một số trường hợp đại tràng dài hơn. Đại tràng có hình một cái khung nên chúng cũng thường được gọi là khung đại tràng.

Bắt đầu từ manh tràng và tận cùng ở khu vực tiếp nối giữa đại tràng xích ma với trực tràng là khung đại tràng. Thông thường, dân gian hay gọi đại tràng là ruột già. Chúng có kích thước to hơn ruột non, trên thành có những dải dọc, kèm theo rất nhiều bờm mỡ to hoặc nhỏ. Những bờm mỡ này dày hay mỏng sẽ tùy theo người đó béo hay gầy.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh ung thư đại tràng. Chính vì vậy đã có rất nhiều giả thuyết và nhận xét đã được nêu ra.

Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu những bệnh nhân đã được điều trị tại bệnh viện, các nhà khoa học đã nhận thấy hầu hết các trường hợp bệnh nhân là người lao động chân tay. Rất ít người lao động trí óc mắc căn bệnh này, Hơn thế nữa, những người sinh sống ở khu vực nông thôn có số người bị bệnh nhiều hơn ở thành thị. Bên cạnh đó, xuất hiện một số ít bệnh nhân mắc bệnh có tiền sử bệnh polip rải rác ở đại tràng hoặc đại tràng có viêm loét chảy máu.

3. Phân loại

Thông thường, ung thư đại tràng có 3 loại là loại gây hẹp, loại sùi và loại phát triển trong thành đại tràng. Trong đó:

- Ung thư đại tràng loại gây hẹp thường thấy ở đại tràng xích ma tại chỗ tiếp nối giữa đại tràng xích ma với trực tràng. Với tổn thương là một khối u nhỏ làm cho lòng đại tràng bị chít hẹp lại. 

- Ung thư đại tràng loại sùi thường gặp nhiều ở đại tràng phía bên phải. Ở loại này, đại tràng có một khối u to, mặt sần sùi và không rắn như loại gây hẹp. 

- Ung thư đại tràng loại phát triển trong thành đại tràng. Đây là phân loại rất hiếm gặp và tình trạng ung thư thường phát triển trong lớp cơ, rất khó để phát hiện.

4. Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh ung thư đại tràng thường không rõ ràng. Trong thời kỳ đầu khi mới mắc bệnh, bệnh nhân ung thư đại tràng có thể cảm thấy đau hoặc đau âm ỉ. Các cơn đau có thể chia thành nhiều cơn và xuất hiện bất kỳ lúc nào. Một số trường hợp bệnh nhân có thể không đau nhưng lại có cảm giác nặng bụng.

Có một lưu ý đặc biệt là không phải lúc nào người bệnh cũng cảm thấy đau ở những vùng bị tổn thương. Có những trường hợp ung thư đại tràng trái nhưng điểm đau lại nằm ở hố chậu phải. 

Ung thư đại tràng là gì? Tìm hiểu chung về bệnh ung thư đại tràng - Ảnh 2.

Các cơn đau của ung thưu đại tràng có thế xuất hiện bất kỳ lúc nào (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp phải triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón. Triệu chứng này thường xuất hiện sau cơn đau và thuốc nhuận trường chỉ có tác dụng tạm thời. Đôi khi bệnh nhân có thể đại tiện lỏng, ngày đi 4 - 5 lần. Trong phân có lẫn máu và mủ, do đó dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ.  Trên thực tế, bệnh nhân có thể bị táo bón hoặc bị tiêu chảy hoặc có thể có xen kẽ những đợt táo bón và tiêu chảy. 

Triệu chứng chảy máu đường ruột tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Lúc này bệnh nhân đi đại tiện ra máu đỏ tươi, thông thường trong phân có cả máu và mủ. Chính vì vậy, dù cho đã có tiền sử mắc bệnh kiết lỵ hay bệnh trĩ vẫn cần phải chú ý để tìm có thể phát hiện ra bệnh ung thư đại tràng sớm nhất.

Với những bệnh nhân chưa hình thành khối u thì rất khó để có thể chẩn đoán. Kể cả khi nắn sâu xuống bụng cũng không phát hiện một hiện tượng bất thường nào. Đôi khi, bệnh nhân có thấy triệu chứng trướng bụng nhẹ hoặc manh tràng bị trướng hơi và đau nhẹ. Một số bệnh nhân khác đến cơ sở y tế khám vì thấy có khối u nằm trên khung đại tràng hoặc bị tắc ruột cấp tính, triệu chứng lâm sàng có biểu hiện nhiều hay ít, giống nhau hay khác nhau tùy theo vị trí của khối u ung thư.

Dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đang mắc ung thư đại tràng: Nếu sụt cân nhanh kèm theo dấu hiệu này, cẩn thận ung thư đại tràng.

5. Chẩn đoán bằng cách nào?

Việc chẩn đoán bệnh ung thư đại tràng sẽ dễ dàng hơn khi bệnh nhân có khối u đã hình thành thì việc chẩn đoán dễ dàng hơn. Khi sờ nắn khối u bên phải thường sẽ dễ phát hiện vì chúng thường to hơn khối u ở bên trái. Lưu ý cần phải phân biệt khối u ở đại tràng với khối u ở túi mật, gan, dạ dày, thận,...

Để giúp cho việc chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như: 

- Chụp X-quang,

- Siêu âm,

- Soi trực tràng - đại tràng,

- Sinh thiết phát hiện kháng nguyên CEA (carcinoma embryonic antigen) - kháng nguyên phôi ung thư biểu mô...

Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư đại tràng đều có phát hiện và đi khám khi ở thời kì đầu. Tuy nhiên ở thời điểm này rất khó để chẩn đoán bệnh. Bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với viêm đại tràng hoặc bệnh kiết lỵ

Chính vì lý do này, khi một người cao tuổi không có tiền sử mắc các bệnh tiêu hóa.  Nhưng gần đây lại xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa với các đợt đại tiện lỏng hoặc táo bón hay đại tiện lỏng xen kẽ với táo bón. Kèm theo đó bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, da xanh, sút cân. Đôi khi có hội chứng bán tắc ruột thì phải cần liên hệ đến ung thư đại tràng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định. 

6. Các vị trí ung thư đại tràng

Các vị trí có thể phát triển ung thư đại tràng có thể ở đại tràng phải, đại tràng ngang và đại tràng trái. Mỗi vị trí có những biểu hiện triệu chứng bệnh lý và phương pháp điều trị khác nhau nên cần được đặc biệt lưu ý.

Ung thư đại tràng là gì? Tìm hiểu chung về bệnh ung thư đại tràng - Ảnh 3.

Các vị trí có thể phát triển ung thư đại tràng có thể ở đại tràng phải, đại tràng ngang và đại tràng trái. (Ảnh: Internet)

6.1. Ung thư đại tràng phải

Khi mắc bệnh ung thư đại tràng, nếu nằm ở manh tràng hay ở 1/3 phía bên phải đại tràng ngang thì khối u sẽ di động nhiều. Nếu khối u nằm ở đại tràng lên hay ở góc gan phải thì chúng sẽ di động ít. Nếu trường hợp khối u đã dính vào thành bụng hay vào một cơ quan lân cận thì chúng có thể không di động hoặc di động ít.

Khi khối u di động nhiều, việc phẫu thuật điều trị bệnh sẽ càng dễ dàng và sau phẫu thuật ít có biến chứng. Trên thực tế, trong khi phẫu thuật, các khối u thường to hơn nhiều so với ước lượng qua việc nắn ở thành bụng. Khối u càng to càng có nhiều mô dính chung quanh, vì thế khi thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u dễ có nguy cơ làm tổn thương đến các cơ quan lân cận. 

Khi bị ung thư đại tràng phải, các khối u ít khi làm hẹp hay gây tắc ruột mặc dù chúng thường to hơn khối u ung thư ở đại tràng trái. Những khối u này cũng có xu hướng dễ bị nhiễm khuẩn. Khi phẫu thuật có thế thấy nhiều ổ mủ trong thành hoặc ở mặt trên, do đó về lâm sàng dễ nhầm lẫn với áp xe ruột thừa hoặc áp xe túi mật.

Nếu ung thư ở manh tràng thì khối u sẽ nằm ở hố chậu phải. Tình trạng này khá dễ nhầm lẫn với bệnh lao góc hồi - manh tràng. Nếu khối u nằm ở góc gan thì loại u lớn mới có thể nắn thấy và dễ nhầm lẫn với u ở gan hay ở thận.

6.2. Ung thư đại tràng ngang

Đây là vị trí ung thư ít gặp hơn cả, hiếm gặp hơn nhiều so với ung thư đại tràng phải và đại tràng trái. Do đại tràng ngang thường dài và di động dễ dàng nên khối u ở đoạn này có thể thấy ở bất cứ vùng nào trong hố bụng. Khi chúng tiến triển, có thể dính với gan, mật, dạ dày, ruột non, đại tràng xích ma, phần phụ, tử cung và cả với bàng quang. 

Lòng đại tràng ngang cũng rộng nên khối u ít khi gây tắc ruột hơn. Tuy nhiên chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Tổn thương ung thư loại này có thể thấy 3 dạng gồm: 

- Dạng u thường to, mô u giống mô não, thấy nhiều ở 1/3 đoạn bên phải và 1/3 đoạn giữa; 

- Dạng thắt với đoạn có ung thư bị co thắt lại, thành cứng, thấy nhiều ở 1/3 đoạn trái; 

- Dạng loét đa phần rất hiếm gặp. 

Việc chẩn đoán ung thư đại tràng ngang trong giai đoạn đầu rất khó. Khi có khối u  thì việc chẩn đoán mới dễ dàng hơn nhưng lại rất dễ nhầm lẫn với khối u ở các cơ quan khác. Chính vì vậy, để chẩn đoán xác định một cách chính xác, cần phải thực hiện kết hợp các xét nghiệm cần thiết.

6.3. Ung thư đại tràng trái

Các khối u ở đại tràng trái thường có tính chất chung là kích thước nhỏ, có xu hướng làm hẹp lòng đại tràng. Đôi khi bệnh nhân có thể bị cứng đại tràng trái với đoạn bị cứng có khi dài khi ngắn, đặc biệt thường gặp ở đại tràng xích ma. 

Việc chẩn đoán xác định ung thư đại tràng trái cũng cần căn cứ vào các xét nghiệm cần thiết như chụp X-quang, siêu âm, soi trực tràng - đại tràng... 

7. Biến chứng của ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng thường gây nên những biến chứng như tắc ruột, thủng ruột, áp xe quanh khối u và di căn. Trong đó:

- Tắc ruột: Thường gặp ở khoảng 30% các trường hợp ung thư đại tràng. Hầu hết các trường hợp tắc ruột là do khối u làm tắc lòng đại tràng. Đôi khi, thành đại tràng có khối u bị viêm, phù nề nên lòng đại tràng vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Một nguyên nhân khác có thể gây ra biến chứng tắc ruột là do lồng ruột, thường gặp khối u ở manh tràng lồng vào đại tràng lên. 

Tắc ruột đại tràng khác với tắc ruột ở ruột non. Đặc biệt là khi tắc ruột ở đại tràng thì tình trạng rối loạn nước và chất điện giải xuất hiện muộn hơn. Sau 3 - 4 ngày bị tắc ruột thì tình trạng toàn thân vẫn còn tốt. Do đó nếu ruột non bị tắc cần phải phẫu thuật ngay, còn đại tràng bị tắc có thể chờ đợi lâu hơn.

Ung thư đại tràng là gì? Tìm hiểu chung về bệnh ung thư đại tràng - Ảnh 4.

So sánh hình ảnh tắc ruột non và tắc ruột già (Ảnh: Internet)

- Thủng ruột: Biến chứng này thường thấy ở bệnh nhân có hội chứng viêm phúc mạc hoặc tắc ruột. Tình trạng nhiễm khuẩn nặng có thể khiến tỉ lệ người bệnh tử vong cao ngay cả khi đã phẫu thuật. Lỗ thủng ruột có thể ở ngay khối u hoặc ở ngoài khối u, ở gần hoặc ở xa khối u. Việc lựa chọn phương pháp điều trị lúc này còn tùy thuộc vào vị trí của lỗ thủng và tình trạng toàn thân của bệnh nhân.

- Áp-xe quanh khối u: Tuy không hiếm gặp nhưng biến chứng rất khó để chẩn đoán. Các bác sĩ có thể nhầm lẫn với áp-xe ruột thừa, viêm túi mật cấp tính hay áp-xe phần phụ... Một khi đã gặp biến chứng này, dù khối áp xe ở bên phải hay bên trái đều cần phải chích áp-xe. Chỉ khi mủ đã bớt nhiều trong khoảng từ 7 - 10 ngày, bệnh nhân cần được phẫu thuật mở bụng để kiểm tra khối u và các cơ quan trong hố bụng. 

- Di căn: Đây là một biến chứng xuất hiện muộn ở niêm mạc thành bụng, ở gan hoặc ở buồng trứng, các hạch... Thông thường, hiện tượng di căn chỉ có thể được phát hiện trong khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật, ung thư đại tràng có thể di căn ở phổi và có thể phát hiện bằng cách chụp hình phổi. 

8. Điều trị bệnh ung thư đại tràng

Để đạt được hiệu quả điều trị ung thư đại tràng tốt cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó việc phát hiện bệnh sớm đóng vai trò rất quan trọng. Các chuyên gia y tế cho rằng những bệnh nhân mắc ung thư đại tràng nếu được phát hiện sớm và xử lý can thiệp phẫu thuật kịp thời có khoảng 82% trường hợp có thể sống trên 5 năm. Trái lại với những bệnh nhân đã có triệu chứng của bệnh ung thư rồi mới phát hiện và điều trị chỉ có khoảng 45% trường hợp sống thêm được trên 5 năm. 

Phương pháp điều trị ung thư đại tràng có rất nhiều như:

- Phẫu thuật, 

- Dùng hóa chất chống ung thư, 

- Xạ trị kết hợp phẫu thuật với hóa chất... 

Tuy nhiên, cho đến nay, phương pháp phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính. 

Việc điều trị bằng hóa chất có khả năng diệt tế bào ung thư nhưng không diệt được được tận gốc các tế bào ung thư. Chính vì vậy việc điều trị bằng hóa chất thường được kết hợp với phẫu thuật và xạ trị. Trong đó, các bác sĩ sẽ dùng hóa chất để làm giảm một lượng lớn tế bào ung thư, số còn lại dùng phẫu thuật lấy bỏ nốt. Hoặc cũng có thể dùng hóa chất sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư mà phẫu thuật không lấy được hết. 

Hiện nay phương pháp điều trị kết hợp phẫu thuật và hóa trị ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên cần lưu ý rằng hóa chất không những chỉ diệt tế bào ung thư mà còn có thể diệt các tế bào bình thường khác như bạch cầu... Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải được theo dõi thường xuyên trong quá trình điều trị. 

Phương pháp xạ trị cũng được kết hợp với phẫu thuật nhưng ít thường xuyên hơn so với hóa trị. Thông thường xạ trị được chỉ định điều trị cho những trường hợp không còn khả năng điều trị bằng phẫu thuật và những trường hợp tái phát sau phẫu thuật.

9. Làm gì để phòng ngừa ung thư đại tràng?

Ung thư đại tràng thường bắt đầu với các khối u lành tính, hay còn được gọi là polyp. Polyp không phải là u nhưng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Polyp không phải là ung thư nhưng chúng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.

Việc kiểm tra đại trực tràng thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư đại tràng. Các polyp tiền ung thư thông thường không có biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên chúng có thể được tìm thấy qua phương pháp nội soi đại tràng trước khi ung thư xâm lấn phát triển vài năm. Việc kiểm tra sàng lọc cũng giúp tìm thấy được polyp và cắt bỏ trước khi trở thành ung thư. Đây được xem là cách phòng bệnh cụ thể nhất.

Ngoài ra, bệnh ung thư đại tràng có thể phòng tránh nếu mọi người xây dựng một thói quen ăn uống lành mạnh. Trong đó có thể kể đến:

- Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Những người ăn khoảng 160g/ngày hoặc có chế độ ăn với thịt quá 5 lần mỗi tuần có nguy cơ cao mắc ung thư gấp 3 lần người khác. 

- Các thức ăn chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích,... có thể sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư. 

- Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng.

- Trong khi đó, các thức ăn chứa nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh do nó có thể giúp gia tăng tiêu thụ acid folic. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng oxy hóa.

Những thông tin về bệnh ung thư đại tràng ở trên hi vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh này để có các biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe phù hợp nhất.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm