Ông Phát nguyên là cán bộ quản lý ngành xây dựng ở Q.Tân Bình (TPHCM). Năm 2011, ông đến khám tại Bệnh viện Bình Dân (Q.3) vì liên tục chịu đựng những cơn đau ở tầng sinh môn, đi tiểu khó, đau rát, giảm ham muốn tình dục… Sau khi tiến hành các xét nghiệm, chụp siêu âm, ông mới biết mình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Phát hiện ung thư sớm tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt tới 90%
Mấy chục năm làm công tác quản lý, công việc chất đống nên ông Phát không có thời gian quan tâm tới sức khỏe của mình. Hơn nữa, những bữa tiệc đãi khách liên miên, những bữa ăn toàn thịt, cộng thêm yếu tố di truyền từ cha (đã qua đời vì bệnh ung thư) là nguyên nhân chính khiến ông phải gánh chịu căn bệnh nguy hiểm này. Lo lắng cho sức khỏe của chồng, bà Tuyết Mai (vợ ông Phát) buồn rầu: “Qua sách báo, tôi được biết ung thư tuyến tiền liệt là một dạng ung thư phổ biến nhất ở nam giới, có nguy cơ tử vong cao thứ 2 chỉ sau ung thư phổi. Khi biết chồng có những triệu chứng bệnh trong một thời gian tương đối dài thì tôi khuyên đi khám bệnh sớm nhưng ông ấy cứ bảo thủ, cười xuề xòa cho qua chuyện. Do không được tầm soát sớm nên bệnh đã chuyển qua giai đoạn khó chữa trị”.
Để chống chọi với căn bệnh này, cuối cùng ông Phát phải tiến hành phương pháp xạ trị với số tiền lên đến 200 triệu đồng. Ông tâm sự: “Khi xạ trị, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng tôi vô cùng lo lắng. Vợ và các con luôn bên cạnh động viên tôi vượt qua nỗi đau thể xác để tiếp tục điều trị. Biết là tình trạng bệnh không mấy khả quan do phát hiện muộn nhưng tôi chẳng dễ dàng bỏ cuộc”.
Biến chứng khó lường
PGS.TS Vũ Lê Chuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TPHCM, cho biết: “Tuyến tiền liệt nằm ở cổ bàng quang. Nó là một cơ quan quan trọng trong hệ thống sinh dục nam. Khi tuyến tiền liệt xuất hiện khối u, bệnh nhân thường khởi đầu bệnh bằng một trong hai triệu chứng là tiểu đêm hoặc tiểu chậm. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân là do thận yếu nên không tầm soát phát hiện kịp thời. Nhưng nếu không được điều trị sớm bướu tuyến tiền liệt từ giai đoạn đầu, bệnh có thể phát triển và sinh ra các biến chứng như: Bí tiểu, tiểu ra máu, nhiễm trùng niệu, sỏi bọng đái, sỏi thận, suy thận, di căn… với tỉ lệ tử vong cao”.
Hiện có 2 dạng điều trị ung thư tuyến tiền liệt: Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt căn bằng phương pháp mổ mở hay qua nội soi ổ bụng. Tuy nhiên, người bệnh phải hy sinh đời sống tình dục và chịu những tác dụng phụ khác trên cơ thể như: dễ bị loãng xương, dễ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, hệ lông tóc thay đổi… Khi phát hiện bệnh muộn thì chỉ có thể điều trị “tạm thời” bằng xạ trị. Tùy vào nhiều yếu tố, độ ác, độ xâm lấn của bướu và mức độ đáp ứng với điều trị nội tiết mà cơ hội sống sót của bệnh nhân sẽ được quyết định, thông thường kéo dài từ 5 đến 10 năm.
Với trường hợp bệnh của ông Phát, ông hiểu rằng vì phát hiện bệnh muộn nên cơ hội điều trị bệnh khỏi hoàn toàn là không thể. Cứ sáng sớm, ông thường chậm rãi cùng vợ đi tập dưỡng sinh ở CLB người cao tuổi tại phường. Ông khoe rằng từ lúc tham gia nhóm tập này, ông thấy mình khỏe hơn, có nghị lực hơn để chống chọi với bệnh tật. Nhờ vậy, các triệu chứng bệnh cũng thuyên giảm ít nhiều. Ông mỉm cười lạc quan: “Trước đây, tôi cứ lao đầu vào công việc mà không biết quý trọng khoảng thời gian dành cho gia đình. Bây giờ, tôi cứ coi hoàn cảnh ngặt nghèo này như là một cơ hội để mình nghỉ ngơi và quây quần với vợ con. Nghĩ mà thương bà xã lắm. Bà ấy đã bao năm vì tôi mà vất vả nhiều, giờ lại phải tiếp tục chăm sóc cho chồng lúc tuổi già”, dứt lời ông vội nắm chặt lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn của vợ và bước tiếp về phía trước.
PGS.TS Vũ Lê Chuyên (Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TPHCM) |
Hiện nay, vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra ung thư tuyến tiền liệt nên việc tầm soát bệnh là rất quan trọng. Nếu phát hiện được bệnh sớm, tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt 90%. Nếu phát hiện muộn thì tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ còn lại dưới 30%. Do biểu hiện đầu tiên của bệnh chỉ là những rối loạn tiểu tiện nhẹ nên nhiều người bệnh không để ý. Vì vậy, nam giới từ 40 tuổi nên làm xét nghiệm PSA tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ hàng năm và nếu có những biểu hiện rối loạn đau buốt khi đi tiểu, tiểu đêm nhiều thì nên đi khám ngay ở các bệnh viện chuyên khoa để điều trị kịp thời. |
Phòng bệnh thế nào? - Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh. - Tránh ăn mỡ động vật mà thay bằng dầu thực vật. - Tránh tiếp xúc với các chất hóa học. - Đậu nành và trà giúp bảo vệ tuyến tiền liệt. |