“Đây là cháu út của mình. Cháu được cái ngoan ngoãn, học giỏi, mới rồi được giải Nhất thi bơi cấp quận đấy!”. Cũng như mọi lần, mỗi khi có khách đến nhà chơi, bố mẹ lại mang con ra để “khoe” như thế.
Cũng phải thôi, con biết bố mẹ hài lòng và tự hào về con lắm. Trong khi những nhà khác phải đau đầu lo con bỏ học, nghiện hút thì mỗi năm, thành tích của con lại nhiều thêm. Năm thì con đạt giải viết chữ đẹp, năm thì giải thể thao, khi thì giải nhì học sinh giỏi thành phố... Người thân, bạn bè của bố mẹ thường đem con ra làm gương sáng để con họ học tập. Ai cũng bảo, bố mẹ thật may mắn khi có một đứa con như con.
Nhưng, bố mẹ biết không, hình như chưa ai hỏi liệu con có cảm thấy “may mắn” khi được làm con của bố mẹ? Tất nhiên, sẽ là bất hiếu nếu một người con ghét bỏ bố mẹ mình. Con không bao giờ ghét bố mẹ nhưng thực sự, con chưa cảm thấy mình hoàn toàn may mắn khi là con bố mẹ.
Bởi lẽ, bao năm qua, con đã phải gồng mình để làm một đứa con hoàn hảo. Bố mẹ đều là tiến sĩ, du học ở nước ngoài về. Bố giỏi 3 ngoại ngữ. Mẹ cũng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao.
Từ lúc mới lơ ngơ bước chân vào lớp 1, con đã được dạy “con nhà tông, phải giống lông giống cánh”. Nhớ hồi con học lớp 2, con đã bị 3 điểm toán. Bữa đó, mẹ đánh con một trận rất đau. Vừa đánh, mẹ vừa khóc lóc đau khổ. Mẹ trách con làm mẹ mất mặt. Ai đời vợ chồng tiến sĩ mà không dạy được con.
Con ước mình không cần tỏ ra xuất chúng và xung quanh con có rất nhiều trò chơi trẻ thơ. Ảnh minh họa: Internet |
Tất nhiên, mẹ sẽ bảo, học giỏi thì ấm vào thân con. Nhưng, mẹ biết không, sự thực thì để làm “con hoàn hảo” của bố mẹ, con đã phải đánh đổi rất nhiều thứ.
Bao nhiêu năm qua, con luôn “học tối đa, chơi tối thiểu”. Mẹ lúc nào cũng nhắc con phải học, học và học. Ngoài giờ học tại trường, con lại ngập chìm trong các lớp học thêm. Tối về lại làm thêm vô số bài tập của bố mẹ giao. Trong đầu con, chỉ có những con số mà không có chỗ cho phim hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi… vì với mẹ, những thứ đó vô vị.
Mẹ có thể tìm thấy niềm vui trong công việc nghiên cứu nên muốn con cũng sẽ cảm thấy như vậy. Mẹ không biết rằng, như mọi đứa trẻ khác con thèm được chạy nhảy, chơi đùa cùng bạn bè. Tiếc rằng, con chẳng có mấy người làm bạn vì con làm gì có thời gian để chơi đùa cùng họ.
Học giỏi ở trường chưa đủ. Bố mẹ còn mong muốn con trở thành một người đa tài bằng việc hướng con chơi thể thao. Điều đó là đúng. Nhưng, con chỉ muốn “chơi” thôi chứ không muốn lại phải “học” thể thao.
Mỗi lần đưa con ra bể bơi, mẹ gần như không cho phép con ngơi nghỉ. Mẹ muốn con phải luyện tập hết sức. Bể bơi với con từ lâu không còn là nơi thú vị mà ngược lại, trở thành “trường đấu” vô hình. Dù các bạn khác không phải là đối thủ, nhưng, con luôn phải âm thầm chiến thắng họ để về đích trước nhất.
Mẹ luôn bảo: Con không bao giờ được thua cuộc, được nản lòng. Con không được phép khóc vì như vậy rất kém cỏi. Bố mẹ còn đang đặt ra rất nhiều đỉnh Olympia khác cho con. Mẹ mơ một ngày, con sẽ dành được học bổng toàn phần tại một trường đại học hàng đầu thế giới. Bố cũng kỳ vọng con sẽ trở thành tiến sĩ, giáo sư thành đạt hơn cả bố mẹ. Điều đó cũng có nghĩa, con đường đi phía trước của con do bố mẹ định ra sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Đêm qua con đã mơ, con được bay đến một nơi mà ở đó, không ai biết con là con của những tiến sĩ. Con đã có một ngày đúng nghĩa được sống thật với chính mình. Con cũng mắc lỗi, cũng không cần tỏ ra xuất chúng và xung quanh con có rất nhiều trò chơi trẻ thơ. Tỉnh dậy, con biết mơ mãi chỉ là mơ thôi.