Vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi thai sản cho lao động nữ

PV
05/12/2024 - 11:54
Vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi thai sản cho lao động nữ

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, lao động nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động, với hàng triệu phụ nữ tham gia vào các ngành nghề khác nhau. Trong đó, phần lớn là những người trong độ tuổi sinh đẻ, phải đối mặt với không ít thách thức trong việc đảm bảo quyền lợi thai sản. Dù pháp luật Việt Nam đã quy định rõ các quyền lợi liên quan đến thai sản nhưng trên thực tế, không ít lao động nữ vẫn bị thiệt thòi bởi sự thiếu hiểu biết hoặc sự vi phạm từ phía doanh nghiệp.

Quyền lợi thai sản và những rào cản thực tế

Theo quy định của Bộ luật Lao động, lao động nữ mang thai và sinh con được hưởng nhiều quyền lợi, bao gồm nghỉ thai sản, bảo hiểm xã hội, chế độ làm việc nhẹ nhàng và không bị sa thải vì lý do mang thai. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lao động nữ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các quyền lợi này.

Chị Trần Thị Hương, nhân viên văn phòng tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Khi tôi mang thai, khối lượng công việc của tôi bị cắt giảm dần đi. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là phía công ty tạo điều kiện giảm tải công việc cho mình nhưng khi tôi sinh con được 2 tháng cũng là thời điểm tái kí hợp đồng, họ nói với tôi rằng đã tìm được người thay thế và tôi không được tiếp tục gia hạn hợp đồng nữa. Lúc đó tôi mới hiểu công ty đã có sự chuẩn bị từ sớm cho việc sa thải tôi vì lý do sinh con".

Hay như chị Nguyễn Thị Thu, một công nhân tại Đồng Nai, từng bị doanh nghiệp ép làm thêm giờ khi mang thai ở tháng thứ 5. Nhờ sự hỗ trợ của công đoàn tại cơ sở, chị được sắp xếp công việc nhẹ nhàng hơn và được nghỉ trước khi sinh đúng quy định. "Công đoàn đã giúp tôi hiểu rõ quyền lợi của mình và đấu tranh để bảo vệ chúng. Nếu không có họ, tôi chắc chắn sẽ phải làm việc đến kiệt sức", chị Thu nói.

Vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi thai sản cho lao động nữ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những câu chuyện như chị Hương, chị Thu không phải hiếm gặp, đặc biệt ở các khu công nghiệp, nơi lao động nữ thường làm việc trong môi trường căng thẳng và chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ doanh nghiệp. Trước những bất cập này, công đoàn đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi thai sản của lao động nữ. Quyền lợi thai sản không chỉ là vấn đề riêng của lao động nữ mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của xã hội. Vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi thai sản đã và đang trở thành "lá chắn" quan trọng, giúp lao động nữ yên tâm thực hiện thiên chức làm mẹ mà không bị thiệt thòi.

Công đoàn đồng hành cùng lao động nữ bảo vệ quyền lợi thai sản

Công đoàn không chỉ giúp lao động nữ nhận thức rõ hơn về quyền lợi thai sản mà còn trực tiếp can thiệp khi doanh nghiệp vi phạm. Những hỗ trợ này bao gồm tư vấn pháp lý, đại diện người lao động khiếu nại và tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để đảm bảo thực thi pháp luật.

Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi thai sản cho lao động nữ, công đoàn các cấp cũng triển khai nhiều sáng kiến thực tiễn như tư vấn và phổ biến pháp luật thông qua các buổi tuyên truyền về quyền lợi thai sản, giải đáp thắc mắc cho lao động nữ. Những buổi tuyên truyền này không chỉ diễn ra tại nhà máy mà còn được thực hiện qua các kênh truyền thông như mạng xã hội và tờ rơi. Bên cạnh đó, công đoàn cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ lao động nữ. Khi có vấn đề xảy ra, công đoàn sẽ ngay lập tức can thiệp, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa người lao động và doanh nghiệp. 

Theo thống kê từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ được hưởng chế độ thai sản đầy đủ đã tăng từ 75% (năm 2020) lên 85% (năm 2023). Đặc biệt, số lượng các vụ vi phạm liên quan đến quyền lợi thai sản đã giảm đáng kể nhờ sự giám sát chặt chẽ của công đoàn.

Bên cạnh đó, công đoàn cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát việc thực hiện quyền lợi thai sản tại doanh nghiệp. Các cuộc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đã giúp phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Với những lao động nữ không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc gặp khó khăn khi mang thai, công đoàn đã triển khai các quỹ hỗ trợ tài chính, giúp họ trang trải chi phí y tế và sinh hoạt trong giai đoạn thai sản. Nhờ những nỗ lực không ngừng, công đoàn đã mang lại nhiều thay đổi tích cực. Không chỉ đảm bảo quyền lợi thai sản cho lao động nữ, các sáng kiến từ công đoàn còn giúp nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ và tầm quan trọng của quyền bình đẳng trong công việc.

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song công đoàn vẫn cần tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động để bảo vệ quyền lợi thai sản cho lao động nữ một cách toàn diện hơn. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn và khu vực lao động phi chính thức, việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, công đoàn cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp để xây dựng môi trường làm việc thân thiện với lao động nữ mang thai. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động về trách nhiệm xã hội và tuân thủ pháp luật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm