Vẫn còn 33 tỉnh/thành có mức sinh cao

An Khê
06/01/2021 - 16:22
Vẫn còn 33 tỉnh/thành có mức sinh cao

Hiện nay cả nước vẫn còn 33 tỉnh/thành có mức sinh cao và nhiều nơi có điều kiện kinh tế xã hội rất khó khăn, người dân vẫn sinh nhiều con - Ảnh: Kiều Trang

Việt Nam đã khống chế được gia tăng dân số nhanh và tránh sinh được khoảng 20 triệu người theo dự báo của Liên hợp quốc. Điều đó đã đóng góp đáng kể đến GDP của Việt Nam cho công cuộc xoá đói giảm nghèo và đặc biệt là tạo ra cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức và những vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

Theo Ths.Bs. Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), có thể nói rằng, tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của Việt Nam ở mức cao so với khu vực và trên thế giới, hệ thống cung cấp dịch vụ của các cấp cũng đã được tăng cường và nâng cao để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc xã hội hoá các dịch vụ y tế nói chung và KHHGĐ nói riêng cũng đã được đẩy mạnh, góp phần đa dạng hoá nguồn lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân.

Thực trạng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay và những vấn đề cấp bách  - Ảnh 1.

Ths.Bs. Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)

Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới thì cũng có rất nhiều thách thức, trong bối cảnh phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng và đạt ở mức cao (khoảng 26 triệu người) vào trước năm 2030. Điều này dẫn đến nhu cầu về phương tiện tránh thai dịch vụ gia đình ngày càng cao.

Thách thức tiếp theo là phải làm thế nào đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân và khắc phục được nhu cầu chưa được đáp ứng hiện nay. Theo nghiên cứu của Gs.Ts.Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tỉ lệ vô sinh ở Việt Nam khoảng 7,7%, đây là một tỉ lệ rất cao. Các vấn đề khác như phá thai cũng đáng báo động, đặc biệt là phá thai ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên… gây quan ngại cho các nhà hoạch định chính sách cũng như những người cung cấp dịch vụ và quản lý chương trình. Các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản của những người di cư, tự do, khu công nghiệp hiện nay là một vấn đề lớn, bởi sự tiếp cận dịch vụ KHHGĐ rất hạn chế.

Thực trạng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay và những vấn đề cấp bách  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - TB

Ông Mai Trung Sơn cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng các dịch vụ KHHGĐ người dân ngày càng đa dạng. Nhưng hiện nay các biện pháp tránh thai của Việt Nam trong nhiều năm qua là chậm đa dạng, chỉ có dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, cấy, viên uống và bao cao su. Ví dụ dụng cụ tử cung trên thế giới có rất nhiều loại, Việt Nam hiện chỉ sử dụng TCu 380

Thuốc tiêm, thuốc cấy có nhiều năm không mua được hàng, không có hàng để cấp cho người dân có nhu cầu. Hiện nay, việc quản lý, kiểm soát chất lượng của bao cao su trên thị trường là một vấn đề rất quan ngại. Bên cạnh đó, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu theo phân đoạn thị trường ngày càng đa dạng của từng nhóm đối tượng. Thị trường phương tiện tránh thai chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân, chủ yếu chỉ có viên uống tránh thai và bao cao su.

Hiện nay cả nước vẫn còn 33 tỉnh/thành có mức sinh cao và nhiều nơi có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, người dân vẫn sinh nhiều con. Tác động tiêu cực của việc sinh đẻ nhiều đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kinh tế hộ gia đình sẽ là những rào cản chung của toàn xã hội.

"Khi đi làm thiện nguyện, tôi thấy rất xót xa với các bé 14,15 tuổi nhưng rất thấp bé, suy dinh dưỡng, quy mô dân số của 33 tỉnh có mức sinh cao chiếm 42% dân số cả nước, thậm chí có nhiều tỉnh mức sinh rất cao sẽ là rào cản cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Nhà nước không thể bao cấp đòi hỏi phải xã hội hoá rất mạnh dịch vụ KHHGĐ. Với thị trường quy mô dân số khoảng xung quanh 100 triệu dân về dịch vụ KHHGĐ là rất lớn, riêng bao cao su cho KHHGĐ cần khoảng  200 triệu chiếc, trong khi đó Chương trình xã hội hoá, tiếp thị xã hội chỉ đáp ứng được vài  triệu chiếc", Ths. Bs Mai Trung Sơn cho biết.

Ngày 19/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1848/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030". Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ giải pháp củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Đến năm 2030 phải củng cố trang thiết bị, đào tạo và đạo tạo lại cán bộ KHHGĐ tại các địa phương.

Ngoài việc củng cố mạng lưới thì cần phát triển, tăng cường vai trò của y tế tư nhân đối với chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và KHHGĐ nói riêng. Phải đa dạng hóa dịch vụ tại cộng đồng, bao gồm dịch vụ liên quan đến ung thư đường sinh sản để giúp họ dự phòng ung thư, dự phòng vô sinh. Bên cạnh đó, cần nhiều mô hình để phù hợp, được tiếp cận và áp dụng tại Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình 1848 sẽ đi vào cuộc sống nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, góp phần đáp ứng nhu cầu KHHGĐ ngày càng đa dạng của người dân của nước ta", Ths.Bs. Mai Trung Sơn nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm