Vận động đề xuất xây dựng chính sách mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ

PV (thực hiện)
06/12/2023 - 22:06
Vận động đề xuất xây dựng chính sách mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ

Ảnh minh họa

Truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chế độ thai sản là một trong những hoạt động mà Hội LHPN Việt Nam đang thực hiện để vận động đề xuất xây dựng chính sách mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ.

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 với chủ đề Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ một số thông tin liên quan đến chế độ thai sản và sự cần thiết cũng như khả năng mở rộng chế độ thai sản trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam.

- Xin bà cho biết, việc không được thụ hưởng chế độ thai sản có thể để lại những hệ lụy nào?

Truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chế độ thai sản - Ảnh 1.

Bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam

Bà Đàm Thị Vân Thoa: Có thể thấy, chế độ thai sản hiện nay đang bỏ qua nhiều phụ nữ, đáng lưu ý, đó có thể là những người có nhiều rủi ro, đang gặp khó khăn, cần sự trợ giúp, như: phụ nữ khuyết tật; phụ nữ nghèo; phụ nữ có thu nhập thấp hoặc thu nhập không ổn định…

Năm 2023, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với ILO tổ chức 1 nghiên cứu về thực trạng thụ hưởng chế độ thai sản tại Việt Nam. Thông qua các câu chuyện thực tế, chúng tôi thấy tác động của việc thiếu chế độ thai sản có thể là:

Đối với phụ nữ, gia đình: phụ nữ nghỉ sinh con không có khoản tiền nào bù đắp thu nhập bị mất đi; trong khi đó chi phí sinh hoạt nuôi con (sữa, đồ dùng cho em bé, thức ăn bồi dưỡng mẹ…) tăng lên nhiều lần so với bình thường. Điều này dẫn đến việc chị em có nguy cơ rơi vào vòng xoáy đói nghèo, mất thu nhập, chịu gánh nặng bệnh tật, sức khỏe kém...

Đối với sự phát triển của trẻ em: Khi những phụ nữ không được hưởng chế độ thai sản, có thể họ sẽ ảnh thưởng nhiều vấn đề sức khoẻ, cả về thể chất và tinh thần như: đi làm sớm, hay lo lắng, suy nghĩ nhiều, dễ bị stress/trầm cảm… Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng sữa kém, thiếu sữa, mất sữa sớm. Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ: trẻ tăng cân chậm, bị suy sinh dưỡng kéo dài, sức đề kháng kém…

Đối với xã hội: việc phụ nữ không được thụ hưởng chế độ thai sản có thể gây ra các tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động nữ trong hiện tại cũng như chất lượng dân số trong tương lai. Bên cạnh đó là nguy cơ bất bình đẳng giới và bất bình đẳng ngay giữa các nhóm đối tượng phụ nữ tăng cao.

Ngoài ra, việc không được thụ hưởng thai sản có thể dẫn đến khả năng phụ nữ "ngại" sinh con hoặc trì hoãn sinh con do không được chế độ bảo vệ thai sản hỗ trợ. Điều này dẫn đến tỷ lệ sinh thấp, có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề về già hóa dân số ở nước ta.

Truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chế độ thai sản - Ảnh 2.

Việc không được thụ hưởng thai sản có thể gây ra nhiều tác động đối sự phát triển của trẻ em. Ảnh minh họa

- Vậy sự cần thiết phải mở rộng chính sách thai sản trong hệ thống an sinh xã hội hiện nay như thế nào, thưa bà?

Bà Đàm Thị Vân Thoa: Sự cần thiết phải mở rộng chính sách thai sản trong hệ thống an sinh xã hội hiện nay dựa trên 3 căn cứ cơ sở về pháp lý, về khoa học và về thực tiễn.

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý:

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân số, gia đình và trẻ em ở nước ta xác định: Nâng cao chất lượng dân số là một trong những vấn đề trọng tâm của chính sách dân số. Nội dung này đã được thể hiện trong: Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII; Pháp lệnh Dân số (2013) (Toàn bộ Chương 3 với 6 Điều (từ Điều 20-25) đã quy định những vấn đề cụ thể về Chất lượng dân số). Chính sách về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng được Hiến pháp quy định: Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 36); Luật trẻ em (2016) quy định, bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước (Điều 42)…

Cơ sở pháp lý còn thể hiện ở Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách an sinh xã hội: Hiến pháp (2013) (Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội-Điều 34); Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị quyết số 42-NQ/TW 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII…

Cùng với đó là Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới: Nghị quyết số 11-NQ/TWngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước": phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư: Hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện…..

Thứ hai, về căn cứ khoa học: dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ được Tổ chức Y tế thế giới và các hiệp hội nhi khoa trên toàn cầu khuyến cáo là quãng thời gian vàng, tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng dân số, bắt đầu từ khi thai nhi hình thành cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi.

Thứ ba, căn cứ thực tiễn: số người được tiếp cận chế độ bảo vệ thai sản thấp; không được thụ hưởng chế độ bảo vệ thai sản gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại như đã phân tích trên

Tất cả những căn cứ trên cho thấy mở rộng chính sách thai sản trong hệ thống an sinh xã hội hiện nay là cấp bách.

Truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chế độ thai sản - Ảnh 3.

Việc mở rộng chính sách thai sản trong hệ thống an sinh xã hội hiện nay là cấp bách. Ảnh minh họa

- Hội LHPN Việt Nam thực hiện những hoạt động nào để vận động đề xuất xây dựng chính sách mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ, xin bà chia sẻ?

Bà Đàm Thị Vân Thoa: Vừa qua, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện các hoạt động để thúc đẩy cho đề xuất xây dựng chính sách mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ. 

Trong đó, chúng tôi đã phối hợp thực hiện khảo sát nghiên cứu, cung cấp bằng chứng về diện bao phủ chế độ thai sản hiện nay; tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chế độ thai sản; phối hợp với các bên liên quan/cơ quan chức năng để cùng hiện thực hóa mục tiêu đề xuất. Đó là làm sao để "không có phụ nữ nào rơi vào tình trạng nghèo đói do sinh con".

Để hiện thực hóa mục tiêu chính sách này, chắc chắn trong thời gian tới, các hoạt động như vậy cần được đẩy mạnh hơn nữa, trên diện rộng hơn nữa.

- Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm