Bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện được đánh giá là việc làm cần thiết

An Khê - Ảnh: Thu Hương
18/10/2023 - 17:08
Bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện được đánh giá là việc làm cần thiết

Ảnh minh họa: Kiều Trang

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức hội thảo Mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản tại Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có dân số với tốc độ già hóa đang diễn ra rất nhanh. Phụ nữ chiếm đa số với 60% dân số ở nhóm có người cao tuổi (từ 65 tuổi). Tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở phụ nữ vào khoảng 31,3% năm 2019 và đang có xu hướng ngừng tham gia BHXH diễn ra nhanh hơn nam giới. Năm 2021, Việt Nam có 14,8 triệu lao động nữ làm việc phi chính thức, chiếm 65% tổng số lao động nữ. Điều này cũng có nghĩa là họ không được tiếp cận với BHXH cũng như bảo hiểm thai sản.

Chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những hệ thống hào phóng trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, nghỉ và trợ cấp thai sản có sự khác nhau đáng kể giữa các nhóm phụ nữ, tùy thuộc vào tình trạng công việc của họ. Phụ nữ không thuộc phạm vi điều chỉnh của bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bao gồm cả lao động phi chính thức, không được tiếp cận với quyền lao động cơ bản và quan trọng này. 

Nếu không có thu nhập thay thế thông qua trợ cấp tiền thai sản, việc phụ nữ phải nghỉ làm và chi tiêu gia tăng do mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ em sẽ gây khó khăn về tài chính cho hầu hết các gia đình.

Khuyến nghị mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản - Ảnh 1.

Bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam phát biểu tại chương trình

Hạn chế chủ yếu về khả năng bảo vệ phụ nữ và nam giới trong hệ thống BHXH tại Việt Nam là sự tồn tại của khu vực kinh tế phi chính thức quy mô lớn. Ước tính, 58% lao động phi nông nghiệp đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (54% phụ nữ và 61% nam giới). Nếu tính cả lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, số lượng việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tới 76% tổng cơ cấu việc làm (75% đối với nữ và 77% đối với nam giới) (ILO 2018). 

Đa phần phụ nữ trong khu vực kinh tế không chính phức làm việc trong ngành nông nghiệp hoặc giữ vai trò là người lao động đóng góp cho gia đình. Do đó, để gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hệ thống BHXH, các chiến lược mở rộng phạm vi bao phủ cần giải quyết các thách thức cụ thể mà những nhóm dân số này phải đối mặt trong hệ thống BHXH đóng góp ở cả cấp độ chính sách và hành chính.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Khi đối mặt với nghèo đói hoặc khó khăn về tài chính, phụ nữ có thể không nghỉ thai sản hoặc đi làm lại sớm hơn so với thời gian được khuyến khích về mặt y tế. Bằng cách giúp bảo vệ việc làm và bảo đảm thu nhập của phụ nữ trong và sau khi sinh con, bảo vệ thai sản bảo đảm rằng vai trò sinh sản của phụ nữ không làm tổn hại đến cơ hội bình đẳng cũng như an ninh kinh tế và gia đình của họ”.

Ghi nhận những chính sách ưu việt của Việt Nam về thời gian nghỉ thai sản và chế độ thai sản đối với lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bà Caroline Nyamayemobe cũng lưu ý cần nghiên cứu chính sách phù hợp đối với phụ nữ không thuộc phạm vi điều chỉnh của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm cả lao động phi chính thức, không được tiếp cận với chế độ thai sản. Bởi nếu không có thu nhập thay thế thông qua trợ cấp tiền thai sản, việc phụ nữ phải nghỉ làm và chi tiêu gia tăng do mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ em sẽ gây khó khăn về tài chính cho hầu hết các gia đình.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công của một số quốc gia trong việc mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ.

Chia sẻ về tiêu chuẩn an sinh xã hội quốc tế về bảo vệ thai sản, ông Andre Gama, Giám đốc Chương trình an sinh xã hội của ILO lưu ý quyền được hưởng trợ cấp thai sản đối với phụ nữ, hướng tới mục tiêu là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho bà mẹ và trẻ em, bảo vệ phụ nữ trước tình trạng dễ tổn thương về mặt kinh tế gây ra bởi những rủi ro mất thu nhập và sức khỏe từ việc mang theo và sinh con. Trong đó, bảo vệ thai sản gồm bảo trợ việc làm, không phân biệt đối xử khi phụ nữ nghỉ thai sản; có trợ cấp tiền mặt và y tế cho người mẹ trong thời gian cho con bú; đồng thời, bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc cho phụ nữ khi trở lại làm việc sau thời kỳ nghỉ thai sản…

Khuyến nghị mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản - Ảnh 2.

Ông Andre Gama, Giám đốc Chương trình an sinh xã hội của ILO

Nhiều đại biểu nêu lên một số thách thức, bao gồm việc người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện không có bất kỳ chế độ thai sản nào. Chính vì vậy, việc dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện được đánh giá là việc làm cần thiết, góp phần kết nối chính sách an sinh xã hội và các chính sách về kinh tế, việc làm, dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Cùng với đó, có ý kiến đề xuất xây dựng chế độ trợ cấp thai sản đa tầng nhằm giúp tất cả phụ nữ tại Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ. Trong đó, trợ cấp tầng 2 (do Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả) sẽ giúp thay thế thu nhập bị mất của các cha mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện. Còn trợ cấp tầng 1 (do ngân sách nhà nước chi trả) cho tất cả những người không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm thu nhập cơ bản cho các bà mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội nhưng vẫn được bảo vệ.

Khuyến nghị mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản - Ảnh 4.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công của một số quốc gia trong việc mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ

Các đại biểu đều thống nhất cần tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai chính sách để sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cần lồng ghép với các chính sách có liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm