Bàn tay tài hoa
Dưới ánh đèn flash, chiếc áo đầm dạ hội do Văn Thành Công thiết kế óng lên những đường cong của người đẹp
Văn Thành Công là một trong số ít văn nghệ sĩ mà tôi được biết ở điểm tưởng như bình thường với mọi người nhưng khác thường với nghệ sĩ: Ngủ dậy và đi làm rất sớm. Gặp Công là vui như Tết, cười nói tưng bừng. Nhưng nhà thiết kế có duyên làm đẹp cho các người mẫu, hoa hậu này dường như lại vô duyên với chính bản thân mình. Dù vẫn chăm chỉ tới nhiều sự kiện, song Văn Thành Công cứ yên ắng lầm lụi một mình.
Có lần gặp tôi, Công khoe chiếc túi xách vừa mua được khuyến mãi thêm chai nước hoa xịn. Nhìn cách Công thể hiện niềm vui chẳng khác đứa trẻ được cha mẹ dắt đi chơi Thảo Cầm Viên ngày cuối tuần, thấy cậu hồn nhiên lắm. Nhưng đời thực không như là mơ. Vào một ngày đẹp trời nắng vàng rực thuở thơ ấu, cậu bé Công đã phải chứng kiến sự ly tán của gia đình. Cha Công vì nhiều lý do mà dứt áo ra đi, bỏ lại người phụ nữ ông từng yêu thương cùng đứa con thơ dại. Suốt tuổi ấu thơ, Công nhớ, 2 mẹ con phải hứng chịu sự dèm pha của miệng lưỡi thiên hạ. Cuối cùng, người mẹ trẻ không đủ kiên định vượt qua sự khắc nghiệt của người đời. Để con trai còn nhỏ xíu cho ông bà ngoại nuôi, mẹ của Công đi tìm cuộc sống hạnh phúc khác.
Hai lần bị bỏ rơi, Công vẫn là đứa trẻ còn quá nhỏ. Sự tổn thương như sợi chỉ xuyên suốt những tháng năm sau này. Cậu dần lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại. Nhưng dù thương cháu đứt ruột đứt gan thì ông bà ngoại cũng không thể gượng sống để nhìn thấy cậu bé trưởng thành. Đôi khi đọc trên blog cá nhân của Văn Thành Công, tâm trạng buồn và cô độc của một đứa bé vẫn còn cha mẹ mà lại trở thành mồ côi tràn khắp câu chữ. Tôi đã có lúc ngồi khóc hu hu khi chat với Công. Và nhìn thấy sự tuyệt vọng đối chọi với nỗ lực mãnh liệt của cậu, để trở thành nhà thiết kế nổi tiếng như hiện nay.
Nhiều nhan sắc Việt muốn thành công khi đi thi, đều muốn nhờ đến các mẫu trang phục dạ hội của Văn Thành Công. Nhìn bàn tay cậu là biết được sự tài hoa của nhà thiết kế. Bàn tay ấy mảnh, dẻo và vô cùng linh hoạt.
Đam mê là con đường dài
Với Công, thời trang - đam mê là con đường không có điểm dừng
Công việc thiết kế trang phục cho các bộ phim, cho người mẫu, hoa hậu, cho những chương trình thời trang lớn đã kéo Công tới với cái đẹp và nụ cười.
Bước chân vào làng thiết kế thời trang Việt Nam từ cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix năm 2000, Văn Thành Công đã thành công rất sớm. Gần 15 năm trong nghề, từ phục trang sân khấu, phim ảnh và trình diễn, nhà thiết kế trẻ này còn chuyển hướng sang dòng thời trang thông dụng, những bộ trang phục mang đậm hơi thở cuộc sống. Nhưng dẫu vậy, Văn Thành Công vẫn trung thành phong cách sang trọng, hơi hướng từ những bộ trang phục dạ hội rất quý phái.
Nhớ lại những ngày vừa chập chững vào nghề với sự thể hiện mẫu thiết kế của siêu mẫu Xuân Lan và Hoa hậu Phan Thu Ngân, khi Văn Thành Công chỉnh trang từ cái nút áo hay sợi chỉ may, cả người cậu run lên vì xúc động. ‘Họ chính là những người đã truyền tất cả tình yêu thời trang của tôi tới khán giả, vì vậy, tôi nhớ lắm. Nhiều năm đã qua đi, nhưng xúc cảm ấy trong tôi chưa khi nào phai nhạt’, nhà thiết kế chia sẻ.
Điều mà các tín đồ thời trang quan tâm đến mẫu trang phục của các nhà thiết kế danh tiếng, chính là giá tiền có quá cao hay không. Với Văn Thành Công, câu trả lời là: Giá thành tương ứng với sản phẩm. Mỗi mẫu thiết kế của cậu, hầu hết là duy nhất và được sử dụng yếu tố thủ công nhiều nên có khi phải mất 1-2 tháng mới hoàn thiện một bộ áo đầm. Nhiều hoa hậu và người mẫu vẫn sẵn sàng chờ, bởi biết phong cách đặc trưng ấy. Dù đầm dạ hội cần chất liệu tỏa sáng và sự trang trí cầu kỳ nhưng Văn Thành Công nói, cậu chưa bao giờ quên đi sự tinh tế ở từng đường kim mũi chỉ.
Áo đẹp cho lòng rộn rã
Chiếc áo được Văn Thành Công đính cả ngọc trai trong bộ sưu tập 'Dấu ấn vàng son'
Văn Thành Công chưa khi nào trở thành nhà thiết kế độc quyền nhưng cậu cũng tiết lộ đa phần khách hàng là những người đẹp thắt đáy lưng ong. Vì thế mẫu thiết kế nổi tiếng của Công chủ yếu là trang phục dạ hội rực rỡ và cầu kỳ để những người đẹp mang đi trình diễn và thi thố.
Khi được mời xuất hiện trên kênh thời trang quốc tế FTV, Văn Thành Công mới nhận ra cần phải gấp rút mang thời trang Việt ra khỏi biên giới. Thời trang nội địa hiện nay vẫn chủ yếu xoay vòng trong chất liệu tơ tằm Việt Nam, nhưng thực tế để sử dụng tơ lụa hàng ngày là một việc rất khó khăn, khi các nhà sản xuất trong nước chưa có công nghệ giữ gìn độ bền và phai màu của tơ tằm như tiêu chuẩn quốc tế.
Rất nhiều đêm không ngủ, Văn Thành Công cầm trên tay cả chục khúc vải, chỉ ngồi lặng một chỗ và tưởng tượng ra mẫu. Có bữa, chợt thấy ánh nắng lọt qua khe cửa đọng trên các bản vẽ trải rộng khắp bàn làm việc, nhà thiết kế giật mình nhận ra đã rộn ràng ngày mới đến.
Có lần đang chạy xe, Văn Thành Công chợt nhìn thấy thoáng qua chiếc áo đầm do mình thiết kế trên phố, cậu mê mải ngắm và tủm tỉm cười. Bỗng phía sau, có người đi cùng đường vỗ vai: “Gặp người đẹp mà cười hoài sao, cha nội!”. Tự nhiên thấy mọi cô đơn và phiền muộn tan biến!