Vẫn vui với đời buồn

04/08/2015 - 14:34
Chị Lương Thị Và (Q.Tân Bình, TPHCM) không còn nhớ chính xác mỗi ngày phải đứng làm bao nhiêu giờ. Sau mỗi ngày đứng dệt, chị cảm thấy đôi chân của mình bị nhức mỏi, rồi bệnh chuyển qua đau nhức khiến đi lại rất khó khăn…

 

20 năm gắn bó với nghề dệt, chị Và phát hiện bị mắc bệnh giãn tĩnh mạch (Ảnh chụp 22/5/2014)

Cầm tờ số thứ tự đầu tiên bước vào phòng khám, chị Và được điều dưỡng chỉ dẫn tiến hành đo huyết áp, sau đó di chuyển tới phòng tiểu phẫu, ngồi đợi tới lượt chích. Chị bảo: “Bác sĩ nói bệnh suy tĩnh mạch có nhiều phương pháp điều trị, nhưng với tình trạng của tôi thì chích xơ là hiệu quả nhất”.

Gần 20 năm gắn bó với nghề dệt, sau đó chuyển sang may mặc, chị Và không còn nhớ chính xác mỗi ngày phải đứng làm việc bao nhiêu giờ. Tuy nhiên, sau mỗi ngày làm việc, chị cảm thấy đôi chân của mình bị nhức mỏi, sau này chuyển qua đau nhức và đi lại khó khăn. Cứ nghĩ những triệu chứng này là hậu quả của việc ít vận động, chị dành nhiều thời gian hơn cho việc đi bộ vào mỗi buổi sáng và tập một số động tác cơ bản giúp giãn cơ theo sự chỉ dẫn của vài người bạn.

“Được khoảng một tháng thì triệu chứng đau nhức chân có đỡ. Tôi chưa kịp mừng thì chỉ vài tháng sau, cả 2 chân đau nhức trở lại. Đỉnh điểm là sau Tết vừa qua, chân phải của tôi đau từ hông trở xuống, gót chân sưng phù lên khiến việc đi lại và ngay cả ngồi cũng rất khó khăn. Nhiều người nói tôi bị khớp, một số khác bảo cơ chân của tôi có vấn đề… Tôi chạy chữa khắp nơi, uống thuốc Tây theo kê đơn của bác sĩ, xức thuốc lá theo thầy lang… nhưng vô vọng, 2 chân càng đau hơn, đặc biệt là chân phải”, chị Và nhớ lại.

Chân đau không thể đứng lâu được, chị phải từ chối các đơn hàng may tại nhà và chuyển qua buôn bán. Dẫu vậy, ngay cả việc ngồi lâu một chỗ cũng trở thành vấn đề khó khăn, chị Và buộc phải nghỉ làm, chỉ ở nhà nội trợ, bởi tình trạng đau buốt diễn ra ngày càng thường xuyên.

“Không còn thấy tủi nữa”

Trong một lần đưa người bạn đi khám tại bệnh viện, chị cũng bốc số thứ tự để “thử khám thêm lần nữa, biết đâu lại gặp bác sĩ mát tay”. Nào ngờ, lần khám bệnh không chủ đích này đã mang lại kết quả điều trị đáng kể, giúp những cơn đau của chị giảm đi rõ rệt. Chị chia sẻ: “Sau khi chích mũi đầu tiên và uống xong đơn thuốc kéo dài 1 tháng, những cơn đau giảm rất nhiều. Việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, giờ chỉ còn cảm giác hơi nặng dưới chân. Khoảng 1 tuần nay, tôi lại có thể đi bộ tập thể dục vào mỗi buổi sáng”.

Chị Và có khuôn mặt đẹp, nước da sáng và luôn nở nụ cười khi bắt đầu câu chuyện. Song, ít ai biết rằng, ẩn sau khuôn mặt có vẻ như mãn nguyện ấy là những ưu tư. Lấy chồng khi vừa bước qua tuổi 22 nhưng chỉ 1 năm sau đó, khi chưa kịp có với nhau mụn con, tai nạn ập đến khiến chị mãi mãi mất đi người bạn đời của mình. Ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, trong ký ức của người phụ nữ này, đó là một cú sốc quá lớn khiến chị gần như gục ngã. Suốt một thời gian dài sau đó, chị Và gần như rơi vào tình trạng không muốn giao tiếp với bất kỳ ai, tệ hại hơn, chị mặc kệ cuộc đời và để cuộc sống của mình trượt dài theo những kỷ niệm buồn.

Chị bộc bạch: “Không ai có thể giữ mãi một nỗi buồn, thời gian trôi đi, mọi thứ cũng nguôi ngoai. Tôi từng trải qua vài mối tình và từng nghĩ mình sẽ “đi bước nữa”. Nhưng nghĩ cho cùng thì vẫn là duyên chưa tới. Thôi thì cuộc đời bắt mình như vậy, sao mình không thể cứ vui tươi mà sống. Từ đó, tôi bớt u buồn, bớt nghĩ ngợi. Có thời gian rảnh, tôi chăm sóc các cháu, đến chùa cầu kinh và tụ họp bạn bè. Ngay cả khi bệnh tật như lúc này, không có ai bên cạnh động viên, tôi cũng không còn thấy tủi nữa”.

 

Kể về những khó khăn khi ốm đau, chị cười buồn: “Sống một mình riết rồi quen. Khi không có ai để nương tựa thì cái suy nghĩ phải tự mình làm tất cả mọi thứ nó đến tự nhiên lắm. Những hôm đau, nhức chân, tôi cũng ước giá như mình có người bạn đời, có thể cùng chia ngọt sẻ bùi hoặc có một đứa con, vài đứa cháu quây quần nói chuyện, giúp tôi massage chân, chở tôi đi bệnh viện! Nhưng cuộc đời mà, mấy biết được chữ “ngờ”.


Bác sĩ Lê Thanh Phong (Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Suy tĩnh mạch là một bệnh rất thường gặp. Theo các nghiên cứu, ước tính khoảng 10-30% dân số trưởng thành mắc bệnh này ở các mức độ khác nhau. Tĩnh mạch có nhiệm vụ dẫn máu từ 2 chân đi về tim. Bình thường, máu trong tĩnh mạch sẽ đi theo chiều từ dưới lên trên và từ nông vào sâu. Trong lòng tĩnh mạch có những van tĩnh mạch, bao gồm 2 lá van hình túi với mặt lõm quay lên trên, có nhiệm vụ ngăn cản máu đi theo chiều ngược lại.

Ở bệnh nhân suy tĩnh mạch, các van trong lòng tĩnh mạch bị hư hại, một phần máu trong tĩnh mạch sẽ chảy theo một chiều ngược với bình thường, có nghĩa là chảy từ trên xuống dưới và từ sâu ra nông. Hiện tượng này làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, làm giãn các nhánh tĩnh mạch nông ở chân, gây nên các triệu chứng đau nhức và khó chịu ở chân, phù chân, trong giai đoạn nặng có thể gây loét chân không lành hay những biến chứng nguy hiểm khác.

Các tĩnh mạch giãn ở chân có thể chia thành 3 nhóm: tĩnh mạch mạng nhện khi có đường kính dưới 1mm, tĩnh mạch lưới có đường kính từ 1 đến 3mm và giãn tĩnh mạch khi có đường kính trên 3mm. Nghiên cứu cho thấy, tình trạng đau nhức và khó chịu ở chân thường có nguồn gốc từ các tĩnh mạch nhỏ như tĩnh mạch mạng nhện và tĩnh mạch lưới.

Việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch, tùy theo mức độ bệnh mà áp dụng các phương pháp khác nhau. Bên cạnh phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa, mang vớ, tập luyện và thay đổi lối sống... thì chích xơ các tĩnh mạch nhỏ bị giãn là một phương pháp điều trị rất hiệu quả, làm giảm đến 85% các triệu chứng đau nhức và khó chịu ở chân do suy tĩnh mạch. Tuy nhiên, phương pháp chích xơ cần được thực hiện vài lần để có thể đạt kết quả như ý muốn. Ngoài ra có thể  xuất hiện các vết nâu đen tại vị trí tiêm chích hay dọc theo đường đi của tĩnh mạch đã xơ hóa. Các vết này thường biến mất sau hơn 1 năm. Chi phí cho mỗi lần chính xơ là 650.000đ, tối đa chích 3 lần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm