Về Hậu Giang - nơi dễ sống, ‘giá rẻ nhất nước’

04/05/2018 - 06:00
Nếu như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có giá cả sinh hoạt rẻ nhất nước, thì tỉnh Hậu Giang lại là nơi có giá cả rẻ nhất ở vùng châu thổ sông nước này. Từ nhiều năm trước, Hậu Giang đã từng được biết đến như một nơi “dễ sống” ngay cả những người có thu nhập rất thấp cũng không bao giờ lo bị đói.
“Vùng trũng” về giá
 
Hậu Giang có 2 đô thị lớn là TP Vị Thanh và TX Long Mỹ. Mặc dù ở những nơi này giá cả sinh hoạt có “nhỉnh” hơn vùng nông thôn chút đỉnh, nhưng so với những nơi khác thì quả là “rẻ quá sá cỡ”!
 
Hãy xem, đi dạo một vòng quanh khu chợ Vị Thanh, hay rảo bước trên những con đường của thành phố trẻ này, ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng đều dễ dàng nhìn thấy những tấm bảng giá của các quán xá: Cà phê 5.000 đồng/ly, hủ tiếu 10.000 đồng/tô, một phần cơm cũng chỉ đến 15.000 đồng...
 
Chẳng so đâu xa, chỉ so với TP Sóc Trăng ở cách đó vài chục km, thì mức giá này chỉ bằng phân nửa. Còn nếu so với Cần Thơ hoa lệ bậc nhất miền Tây, thì sự chênh lệch về giá còn rõ rệt hơn nữa.
 
hau-giang.jpg
Tỉnh Hậu Giang là nơi dễ sống, có giá cả rẻ nhất ĐBSCL

 

Ban đầu, cứ ngỡ giá rẻ như vậy thì chất lượng hẳn là “chẳng ra gì”. Nhưng quả thực, chúng tôi đã lầm. Chỉ riêng cà phê là không thật sự ngon, bởi miền Tây nói chung không phải là “xứ” cà phê, không nhiều người dân ghiền cà phê theo chuẩn của Tây Nguyên hay Sài Gòn, mà họ uống cà phê chủ yếu để... giải khát.
 
Còn những hủ tiếu, cơm tấm, cơm phần thì... miễn chê! Tô khá lớn, thịt nhiều, nước dùng không đến nỗi nào – nói chung là không thua kém gì so với chất lượng món ăn ở các nơi khác.
 
“Ở dưới này gạo thịt, cá tôm đều rẻ hơn những nơi khác, nên khi nấu thành mì, hủ tiếu hay cơm tấm, chẳng ai dám bán với giá “cắt cổ”. Chỉ bán với giá vừa phải còn có người mua, không thì sớm phá sản”, chị Sáu, chủ một tiệm cơm tấm ở đầu TP Vị Thanh cho hay.
 
Còn ông Ba Cần, chủ một tiệm cơm tấm nhỏ ở gần trung tâm TX Long Mỹ, lại cho biết, “đừng tưởng giá rẻ vậy chỉ bán cho dân lao động nghèo, mà ngay quán cơm xập xệ của ông thôi cũng thu hút rất nhiều người chạy xe hơi hạng sang tới ăn. Hơn nhau ở cái uy tín, chất lượng, chứ đừng có nhìn vô bảng giá để đánh giá ngon, dở”, ông Ba nói với giọng chân chất rặt miền Tây của mình.
 
Nhiều người dân cho biết, nếu cầm 50.000 đồng đi chợ thì gia đình 5 người sẽ có một ngày ăn “phủ phê” với những cá, thịt ê hề!
 
Không chỉ đồ ăn thức uống có giá “rẻ bất ngờ”, mà giá nhiều dịch vụ ở đây cũng khiến khách thập phương mỗi khi đến đều phải... giật mình vì “rẻ quá”! Ví dụ như giá thuê một phòng khách sạn hạng trung, phòng có máy lạnh hẳn hoi, chỉ 150.000 đồng/đêm.
 
Còn giá thuê nhà trọ của dân ngụ cư cũng chỉ khoảng 500.000 – 700.000 đồng/tháng cho một căn phòng khá tươm tất, còn có những chỗ “bèo” hơn thì chỉ 300.000 đồng/tháng.
 
Vì “thứ gì cũng rẻ” nên nhiều người nghèo từ các vùng đất lân cận, từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ... thường có xu hướng muốn về đây sinh sống. Trong đó, nhiều nhất là những người bán vé số dạo và người làm thuê cho các thương hồ, lái buôn đường sông. “Chỉ cần có thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng thì có thể sống tạm ổn, thậm chí còn đủ nuôi 1 đứa con.
 
Còn nếu 2 vợ chồng ráng làm ăn, tháng kiếm được chục triệu thì thực sự là... xông xênh”, chị Hoàng Cẩm Nguyệt, quê Bạc Liêu cùng chồng đến TP Vị Thanh làm nghề tự do từ hơn 3 năm nay, chia sẻ.
 
Nhưng không chỉ có niềm vui
 
Sống ở một nơi có giá cả sinh hoạt rẻ đến như vậy quả là điều mà nhiều người dân khá... thích. Bởi, với những gia đình có thu nhập thấp thì mức sống của họ cũng “chưa đến nỗi nào” nếu khéo vun vén. Tuy nhiên, nếu nói rằng giá rẻ là một “lợi thế cạnh tranh” thì hẳn là một sai lầm. Bởi giá rẻ lại “song hành” với mức sống thấp, tốc độ phát triển kinh tế khá chậm chạp...
 
“Giá rẻ có thể là “dễ sống” nhưng lại rất khó làm ra đồng tiền. Bởi nếu như ở những nơi khác, lợi nhuận cho một ly cà phê có thể là 5.000 – 10.000 đồng, thì ở đây chỉ có 2.000 đồng thôi. Những thứ khác cũng tương tự như vậy, giá rẻ thì giá trị của sản phẩm, dịch vụ cũng thấp, kéo theo lợi nhuận cũng chỉ “lè tè”, nên làm được đồng tiền ở cái xứ này quả là khó lắm!”, ông Mai Văn Phúc, một người kinh doanh tự do phân tích.
 
Một số nông dân ở khu vực ngoại TX Long Mỹ cho biết thêm, sở dĩ giá cả ở đây duy trì mức “quá rẻ” trong thời gian nhiều năm như vậy còn bởi giá cả nông sản ở vùng này cũng rẻ hơn hẳn so với những nơi khác – tính theo giá thương lái thu mua ngay tại ruộng, vườn, ao, chuồng. Vì sản phẩm phải bán giá rẻ nên người nông dân không có nhiều tiền mặt để chi tiêu cho sinh hoạt hàng này.
 
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, Hậu Giang là tỉnh thuần nông, lực lượng nông dân đông đảo, lại có quy mô nền kinh tế nhỏ nhất vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, dân số Hậu Giang cũng ít nhất vùng, chỉ hơn 770.000 người và lại đứng trước tình trạng dân số giảm cơ học do tình trạng di cư khá cao ra ngoài tỉnh.
 
Những năm qua, kết quả của quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ vẫn chưa mang lại nhiều biến đổi đối với đời sống người dân, chưa tạo được việc làm cho nhiều người dân để họ có thể dịch chuyển ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp.
 
Thiếu việc làm, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, chất lượng lao động thấp và ít cơ hội việc làm chính là nguyên nhân đẩy một bộ phận không nhỏ lao động trẻ đi nơi khác tìm việc làm. Trong khi đó, những người không có điều kiện “di cư”, buộc phải ở lại thì không có điều kiện để phát triển kinh tế. Vì thế mà hiện nay, Hậu Giang cùng với Sóc Trăng, Bạc Liêu là 3 địa phương có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất vùng.
 
Giá sinh hoạt rẻ có phần nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ tình trạng này. Và đó là một điều đáng lo, đáng buồn hơn là đáng mừng!
 

Cuối quý I/2018, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2017 (SCOLI). Theo đó, ĐBSCL là vùng có chỉ số SCOLI thấp nhất nước, trong đó tỉnh Hậu Giang thấp nhất vùng: Chỉ số giá sinh hoạt chỉ bằng 89,38% so với Hà Nội và giá bình quân các nhóm hàng khác cũng thấp hơn từ 4% đến 25%. Giá thấp chủ yếu do các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và nông sản các loại. Phần lớn cư dân của tỉnh sống từ thu nhập nông nghiệp và thủy sản. Trong khi họ phải chi trả cho các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cùng loại thường cao hơn. Giá dịch vụ y tế của Hậu Giang năm qua tăng 67,05%. Nhóm vật liệu xây dựng của Hậu Giang cao hơn Hà Nội 0,05%, các nhóm hàng như thiết bị và đồ dùng gia đình, dịch vụ y tế cũng thường cao hơn. Điều đó cho thấy, mặc dù giá tiêu dùng rẻ nhất nước, nhưng cư dân nông thôn, người làm nông nghiệp lại có đời sống khó khăn hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm