'Về nhà ăn cơm' kết nối gia đình với người 'lạc giới'

13/05/2018 - 22:28
Ai cũng muốn được sum vầy bên mâm cơm gia đình, song với nhiều bạn đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), đôi khi về nhà ăn cơm lại trở thành khoảnh khắc buồn bã, thất vọng vì những áp lực...
Với mong muốn kết nối các bạn LGBT với cha mẹ, người thân của các bạn tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, thời gian qua, một dự án mang tên “Về nhà ăn cơm” của các bạn trẻ trong nhóm Team 6 đã ra đời.
 
Team 6 (lấy ý tưởng từ lá cờ lục sắc đại diện cho cộng đồng LGBT) gồm nhiều thành viên, trong đó đa phần là các bạn sinh viên đang học tập tại nhiều trường ĐH. Dự án “Về nhà ăn cơm” là sáng kiến của hai bạn Vũ Kiều Oanh và Nguyễn Bảo Ngọc xuất phát từ những câu chuyện có thật của những bạn trẻ trong cộng đồng LGBT mỗi khi về nhà ăn cơm cùng gia đình.
 
Bữa cơm, lẽ ra phải là khoảnh khắc sum họp đầm ấm, thì đôi khi lại trở nên nặng nề với các bạn khi phải nghe những tiếng thở dài, ánh mắt buồn của bố mẹ khi nghĩ về mình. Thông qua dự án “Về nhà ăn cơm”, các bạn mong các thành viên trong cộng đồng LGBT hãy chia sẻ câu chuyện, tâm tư, nỗi lòng, cả  mong muốn của các bạn đối với bố mẹ... trên Facebook Về nhà ăn cơm của dự án.
vi.jpg
Cùng thêm vị dũng cảm, vị lắng nghe, vị tin tưởng thì bữa cơm gia đình sẽ mãi đầm ấm, ngon miệng

 

Sau đó, nhóm sẽ trực tiếp đến các tỉnh, thành như Thái Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên... thăm nhà của các nhân vật, cùng nghe lời chia sẻ của các bạn và bố mẹ. Thông qua các hoạt động, nhóm mong muốn truyền cảm hứng để bố mẹ và các con (những thành viên của cộng đồng LGBT) dành thời gian bên nhau, cùng nhau chia sẻ những áp lực mà cả hai bên đang phải đối mặt trên con đường chung sống với sự khác biệt của nhau.
 
Dự án bắt đầu khởi động từ khoảng tháng 3 và đến nay đã nhận được khoảng 1.000 lượt like cùng nhiều bài chia sẻ rất cảm động. Có thể kể tới câu chuyện của bạn Thiện và mẹ được viết rất giản dị: “Trong bữa cơm, tôi hỏi mẹ: “Mẹ biết Thiện là người LGBT, cảm giác của mẹ thế nào?”. Thực ra ban đầu mẹ cũng bảo: “Đàn ông mày phải ra đàn ông, chứ như thế có mà chết à?”.
 
Nhưng khi nghe Thiện nói: “Mẹ sinh con ra như thế rồi, bản chất như vậy rồi, con vẫn sống tốt, vẫn là con của mẹ, mẹ đừng buồn con, mắng con”. Thế là mẹ thôi. Mẹ vừa cười vừa nói: “Là con mình chứ con ai đâu, nó như thế thì còn biết làm thế nào? Cứ để Thiện nó sống gì nó muốn, nó hạnh phúc là được, vui vẻ là được. Con mình chứ con ai...”.
 
Hay đó là lời tự sự của một bạn trẻ tên Vĩ và mẹ, khi nhóm đến thăm nhà của bạn: “Em cảm thấy bố mẹ em rất tuyệt vời, mặc dù bố mẹ em đều quê, không được tiếp xúc với thông tin về giới nhưng bố mẹ em suy nghĩ rất thoáng, đặt mình vào vị trí của con hơn là suy nghĩ của các bố mẹ khác, phản ứng của bố mẹ em rất tích cực, không cấm đoán hoặc là luôn ủng hộ trong các quyết định của em.
 
Em muốn nhắn gửi một điều tới bố mẹ của em: Dù cuộc sống có khó khăn, hay vất vả, chỉ mong bố mẹ luôn tin yêu vào cuộc sống, con sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc của bố mẹ. Cảm ơn vì bố mẹ đã tin yêu và chấp nhận con”.
 
Không chỉ chia sẻ nỗi lòng, nhiều bạn còn gửi cả thông điệp ý nghĩa và thấm thía tới những bậc sinh thành: “Điều quý giá nhất mà cha mẹ có thể cho con cái là gì?”-Nếu bạn chưa nghĩ ra thì đây là câu trả lời để bạn tham khảo: “Chính là để cho con cái được là chính chúng. Người ta cũng có một số tên gọi khác thay cho cụm từ để cho con cái được là chính chúng.
 
Đó là sự chấp nhận, là tình yêu thương đích thực”. Tất nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để rút ngắn khoảng cách, để những bữa cơm trong các gia đình của các bạn LGBT không còn nặng nề nhưng điều rất đáng mừng, sau nhiều nỗ lực, kết qua ban đầu của dự án cho thấy đã có sự thay đổi trong nhận thức trong nhiều bậc cha mẹ.
 
Ngoài chuyện của các bạn trẻ, nhiều bậc cha mẹ cũng đã vào Facebook gửi lời bình luận thể hiện sự đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu, động viên các con mạnh mẽ, vững tin và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm