|
Bà Yi Jiefeng trên vùng đất sa mạc Nội Mông (Trung Quốc) |
Bà Yi Jiefeng đến từ Thượng Hải (Trung Quốc) đã có công trồng hàng triệu cây giống ở vùng Nội Mông. Mục tiêu của bà là vừa giúp phủ xanh lại rừng khô cằn ở Alashan vừa hoàn thành tâm nguyện của người con trai đã qua đời cách đây 16 năm.
Sinh thời, Yang Ruizhe - người con trai duy nhất của bà từng theo học ở Nhật Bản - tâm sự rằng anh muốn sau khi học sẽ trở về quê hương và cống hiến cho việc làm xanh hóa sa mạc ở Nội Mông. Thế nhưng, năm 2000, anh đã qua đời sau một vụ tai nạn giao thông ở Nhật Bản. Sự việc bi thảm này khiến bà đau đớn không nguôi. Để vượt qua nỗi đau, vợ chồng bà quyết định dùng số tiền bảo hiểm 270.000 USD của con trai để thành lập tổ chức phi chính phủ Green Life năm 2003.
|
Bà Yi Jiefeng kiên trì với dự án trồng cây xanh |
Vì không có nhiều kiến thức về nông lâm nghiệp nên dự án trồng cây ban đầu của họ bị thất bại. Ở Nội Mông, lượng mưa thường rất ít, chỉ chưa tới 200 mm nên những cây non mà vợ chồng bà trồng đều bị gió cát thổi bay. Quyết không bỏ cuộc, họ tìm đến các chuyên gia lâm nghiệp xin tư vấn về kỹ thuật trồng trọt và thổ nhưỡng. Từ đó, đôi vợ chồng già lại tiếp tục với dự án trồng cây.
Từ năm 2004, ông bà đã trồng hơn 1,1 triệu cây trên vùng đất cát Keerqin và dự kiến sẽ phủ xanh hơn 8.660 km
2 trên sa mạc Alashan “Dường như linh hồn của con luôn theo phù hộ chúng tôi. Sau khi trồng cây xong, trời mưa rất nhiều. Từ đó, năm nào chúng tôi cũng đến Nội Mông trồng cây và lần nào tới trời cũng mưa. May mắn là tỷ lệ cây trồng sống sót đến nay là 85%”, bà Yi Jiefeng chia sẻ.
|
Cây lớn lên từ những giọt mồ hôi của bà Yi Jiefeng |
Bà Jiefeng cho biết lúc đầu bà làm dự án từ thiện này vì muốn thực hiện ước mơ còn dang dở của con trai mình. Tuy nhiên, càng đi bà càng nhận ra vấn đề sa mạc hóa tại Trung Quốc thực sự nghiêm trọng. Nếu tình trạng đó tồi tệ hơn, bà không biết 1,3 tỷ người dân sẽ sống sót ra sao. Với động lực đó, GreenLife nhanh chóng phát triển thành một dự án lớn giúp nâng cao nhận thức của người dân về sự thoái hóa đất tại Trung Quốc. Khi khoản tiền 270.000 USD đã hết, ông bà đầu tư tiền tiết kiệm, thậm chí bán nhà để duy trì Green Life.
|
Nhiều tình nguyện viên cùng cung tay trồng cây gây rừng |
Hiểu được nỗi lòng của bà, từ năm 2008, số lượng các tình nguyện viên tăng lên đáng kể. Nhiều người trong số họ là các bậc cha mẹ mất con, muốn tìm sự khuây khỏa qua dự án của vợ chồng bà. “Chẳng ai mang theo tiền khi qua đời. Vì thế, chúng tôi muốn dùng tiền biến các vùng đất cằn được phủ xanh, môi trường sống được cải thiện”, bà tâm sự.