pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao nhiều người dân xung quanh ổ dịch BV Bạch Mai vẫn “dửng dưng” với Covid-19?
Nằm gần cổng sau của BV Bạch Mai, chợ Phương Mai trước đây mỗi ngày đông nghịt bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra mua cơm, mua đồ. Khi BV Bạch Mai có ca nhiễm Covid-19, các quán cơm trong chợ đều đóng cửa. Các hàng quán từ ngày 27/3 cũng ngừng mở bán. Chợ Phương Mai đìu hiu hơn rất nhiều.
Chợ Phương Mai đìu hiu 2 ngày đầu, khi mới có ca nhiễm Covid-19 ở BV Bạch Mai
Thế nhưng, chợ chỉ đìu hiu được 2 ngày đầu. Đến sáng nay (29/3), các hàng rau, hàng thịt, hàng tạp hóa lại nhộn nhịp trở lại. Chị Hương (bán cửa hàng tạp hóa) cho biết, chị chưa nghỉ ngày nào dù Bạch Mai đang là điểm nóng của dịch Covid-19. "Lúc có nhiều bệnh nhân qua lại thì cũng phải cẩn thận hơn. Giờ bệnh nhân bị "nhốt" hết trong bệnh viện, chỉ có người dân thì làm gì phải sợ. Đóng cửa hàng là cả nhà "đói". Những người khác làm cơ quan, công ty còn có lương, còn được hỗ trợ, những hộ kinh doanh như chúng tôi nghỉ bán hàng ngày nào thì đói ngày ấy. Đeo khẩu trang rồi thì lo gì Covid-19", chị Hương cho biết.
Ở giữa chợ, hàng thịt lợn của chị Oanh lúc nào cũng nườm nượp khách. Chị Oanh cũng chưa ngày nào nghỉ chợ dù số ca nhiễm ở BV Bạch Mai tăng lên mỗi ngày. Chị Oanh cho biết, bán hàng ở chợ Phương Mai là tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân hàng ngày. "Nếu dễ lo sợ thế thì khó mà "trụ" được với công việc này. Tôi vẫn sẽ bán hàng, chỉ nghỉ khi nào bị cấm hoàn toàn vì đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình tôi", chị Oanh chia sẻ.
Sống ở khu tập thể Phương Mai mấy chục năm nay nên khi BV Bạch Mai là ổ dịch Covid-19 chị Nguyễn Thị Hằng vẫn rất bình tĩnh. Theo chị Hằng, từ trước tới giờ, đây không phải là dịch bệnh đầu tiên. Trước đây, khi có dịch SARS, dịch MERS-CoV, BV Bạch Mai cũng có nhiều bệnh nhân nên người dân sống gần bệnh viện không quá sợ hãi như người dân ở các nơi khác. Chị Hằng chia sẻ: "Nếu không may mình có lây nhiễm thì cũng phải chịu. Sống và buôn bán ở sát bệnh viện, làm sao mà trốn đi đâu được. Điều mà chúng tôi lo không phải là có bị lây nhiễm hay không mà nếu dịch kéo dài, bị cấm bán hàng ăn, gia đình tôi sẽ sống thế nào?".
Nỗi lo của chị Hằng là nỗi lo chung của nhiều người lao động khu chợ, khu tập thể Phương Mai. Những ngày bị cấm bán hàng, gia đình chị "xoay" sang bán hàng online. Với chị, nỗi lo không có tiền mới là nỗi lo hiện hữu, lớn hơn nỗi lo nhiễm Covid-19.
Không phải mưu sinh ở chợ Phương Mai, nơi có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 nhiều hơn khi tiếp xúc với các bệnh nhân, những người sống ở sát ổ dịch Bạch Mai làm cơ quan nhà nước, làm công ty cũng không quá lo sợ. Chị Phạm Thu Hường (E7, Tập thể Phương Mai) kểt, khi biết nhà chị ở sát ổ dịch lớn nhất cả nước, nhiều bạn bè, đồng nghiệp lo thay cho chị và khuyên chị đi "tạm lánh" ở nơi khác cho an toàn.
"Tôi đã gửi con về quê nhờ ông bà trông ngay khi con nghỉ học. Giờ chỉ còn 2 vợ chồng đi làm suốt ngày, chiều về đến nhà cũng chỉ ở trong nhà, không tiếp xúc với ai nên không lo lắm. Từ ngày có nhiều ca nhiễm ở BV Bạch Mai, tôi cũng không dám về quê. Chỉ sợ mình mang nguồn bệnh về thì bố mẹ già bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đến là cộng đồng ở quê. Ngoài giờ đi làm, hạn chế đi ra ngoài và làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Đi ra ngoài đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, về nhà khò họng bằng nước sát khuẩn là biện pháp để chống Covid-19 mà gia đình tôi luôn áp dụng", chị Hường chia sẻ.