Vì sao phụ nữ cần tham chính?

Ngự Bình
23/03/2021 - 11:02
Vì sao phụ nữ cần tham chính?

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào việc ra quyết định là yếu tố then chốt để thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực.

Nói đến sự công bằng, nữ giới chiếm một nửa dân số nên họ có quyền nắm giữ 50% các vị trí có quyền ra quyết định. Chính công bằng tạo nên sự bình đẳng và chính bình đẳng cũng tạo nên sự công bằng trong việc đánh giá vai trò của nam giới và nữ giới trong gia đình và ngoài xã hội. Thúc đẩy phụ nữ tham chính là trao quyền cho phụ nữ về mặt chính trị, đảm bảo sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính trị.

Vì sao phụ nữ cần tham chính? - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần được bình chọn là Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

UNDP hoàn toàn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua hỗ trợ mục tiêu 30% phụ nữ tham gia nghị viện, quốc hội trên toàn cầu. Các nghị viện toàn diện có khả năng đẩy mạnh sự tham gia và ràng buộc dân chủ của công dân. Các lãnh đạo nữ cũng là hình mẫu có khả năng huy động phụ nữ ở cấp cơ sở như cử tri, thành viên của đảng và các nhà hoạt động chính trị. Do đó, việc trao quyền cho phụ nữ trong các cơ quan dân cử có thể tăng cường rộng rãi sự tham gia dân chủ. Đây chính là vấn đề cốt lõi gắn liền với sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia. 

Thực tế cho thấy, quốc hội nào có nhiều phụ nữ tham gia thì nhiều chính sách, pháp luật được xây dựng để bảo vệ con người và môi trường hơn ở những quốc hội có ít đại diện là phụ nữ. Đặc biệt, phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của phụ nữ và trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước (Nghiên cứu của UNDP, 2014).

Còn theo Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền con người và Đói nghèo Magdalena Sepulveda, khi phụ nữ giữ chức bộ trưởng, họ có xu hướng phụ trách các lĩnh vực liên quan tới văn hóa, xã hội. Tại chính quyền cấp địa phương, khi phụ nữ được giao những nhiệm vụ hành chính, họ thường quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội. Luận chứng từ Ấn Độ cũng cho thấy, khi có mặt ở các hội đồng địa phương, lãnh đạo nữ sẽ sử dụng sức mạnh của mình để ủng hộ đầu tư vào các lĩnh vực như nước, vệ sinh, những lĩnh vực tối quan trọng đối với sức khỏe và phát triển con người.

Ngoài ra, phụ nữ có những khả năng và quyền lực mềm trong lãnh đạo. Điển hình là chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rất thành công trong việc giải quyết các vấn đề xung đột, khủng hoảng ở châu Âu, vấn đề người di cư, chống đại dịch Covid-19... Bà Merkel được tạp chí Forbes 10 lần xếp hạng là Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Tính đến năm 2020, có 22 quốc gia trên thế giới có phụ nữ đảm trách vai trò nguyên thủ quốc gia hoặc đứng đầu chính phủ. Cụ thể, 10/152 (6,6%) người là nguyên thủ quốc gia và 12/193 (6,2%) người đảm trách vai trò đứng đầu chính phủ.

Tỷ lệ nữ chủ tịch quốc hội trên thế giới là 20,5%, gấp 2 lần so với năm 1995. Tỷ lệ nữ trong quốc hội trên toàn cầu trung bình là 25%, con số này năm 1995 là 12,5%. Rwanda là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội cao nhất thế giới: gần 64%. Xếp vị trí kế tiếp là Cuba (53,2%) và Bolivia (53,1%).

Tỷ lệ nữ bộ trưởng ở mức 21,3% (851/4.003), cao hơn 7,1% so với năm 2005. Hầu hết các nữ bộ trưởng quản lý về các vấn đề đầu tư, môi trường, các vấn đề gia đình và xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm