pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao trẻ sơ sinh gồng cứng người, đỏ cả mặt?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trong quá trình khám bệnh, bố mẹ của các bé thường cảm thấy sốt ruột, lo lắng khi thấy con mình luôn có hiện tượng gồng cứng người, cả lúc bé đói và bé no. Mỗi lần như thế bé đều đỏ mặt, đôi khi con khóc thét.
Theo bác sĩ Dũng: "Bé không sao cả, không thiếu cái gì cả. Trẻ con thường thế. Độ khoảng 6 tháng trở đi thì trẻ sơ sinh mới hết hiện tượng đấy. Đây là hiện tượng: Tăng trương lực cơ sinh lý ở trẻ sơ sinh. Bé phải như thế mới gọi là bình thường. Còn những đứa trẻ nào cứ "mềm nhẽo" ra thế này thì lại gọi là bệnh".
Bác sĩ Nhi khoa giải đáp về hiện tượng tăng trương lực cơ sinh lý ở trẻ sơ sinh.
Vậy tăng trương lực cơ sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì?
Theo các bác sĩ tại bệnh viện Vinmec, tăng trương lực cơ ở trẻ sơ sinh được xác định là khi các nhóm cơ bị co cứng, đặc biệt là phần cánh tay, chân và cổ, có thể bé khó cử động.
Gặp phải hiện tượng này, các chuyển động của trẻ trở nên giống người máy vì không thể thư giãn các cơ và độ linh hoạt hạn chế. Trẻ sơ sinh thường có hiện tượng gồng cứng người, mặt đỏ gay. Trẻ từ 1 tuổi có thể giữ thăng bằng kém, khó tiếp cận và cầm lấy đồ vật, đôi khi chúng cần được giúp đỡ khi ăn. Khi trẻ lớn hơn, dấu hiệu tăng trương lực cơ ở trẻ sơ sinh sẽ càng rõ ràng hơn.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tăng trương lực cơ sinh lý ở trẻ sơ sinh
1. Do tác động từ bên ngoài
Các tác nhân như tiếng ồn, ánh sáng hay do chỗ nằm của bé bị ướt hoặc không được thoải mái, trẻ đang đói, buồn đi ngoài... đều có thể khiến trẻ gồng mình khó chịu.
2. Yếu tố sinh lý của trẻ
Như bác sĩ Dũng đã phân tích ở trên, trẻ từ 0 - 1 tuổi hay gồng mình, đỏ mặt là điều hết sức bình thường, vì đây có thể chỉ là biểu hiện sinh lý tự nhiên do hoạt động thần kinh cơ của trẻ chưa hoàn thiện.
Thông thường, trẻ sẽ lên gân và gồng cứng người trong khoảng 3-5 phút rồi tự khỏi. Nếu trong lúc trẻ gồng cứng người và cứ khóc mãi hoặc kèm theo nôn mửa, thậm chí bé kén ăn, chậm phát triển kéo dài thì bạn hãy đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
3. Trẻ sơ sinh gồng cứng người, đỏ mặt có thể do bệnh lý
Theo các bác sĩ, trẻ bị thiếu canxi cũng có thể dẫn đến việc bé hay gồng cứng người, đỏ mặt. Khi trẻ không nhận được đủ lượng canxi cần thiết thì hệ thần kinh sẽ hoạt động với công suất yếu đi và có thể bị rối loạn. Do đó, trẻ gồng cứng người có thể là do hệ thần kinh gặp rối loạn gây ra bởi sự thiếu hụt canxi. Để biết rõ nguyên nhân, cha mẹ cần đưa bé đi khám.
Ngoài ra còn một số bệnh lý khác như là: Các bệnh lý ở da; côn trùng cắn,...
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh gồng cứng người, đỏ mặt
- Đầu tiên cha mẹ cần kiểm tra các tác nhân bên ngoài xem có điều gì làm trẻ khó chịu. Bé chưa thể nói được nên con dùng những phản ứng của mình để báo hiệu cho bố mẹ biết. Vì thế khi con gồng cứng người, đỏ mặt, mẹ nên kiểm tra lại xem chỗ ngủ của trẻ có được thoải mái hay không, ánh sáng trong phòng ngủ có ổn không, xung quanh chỗ trẻ ngủ có ồn ào hay không. Ngoài ra mẹ cũng nên xem lại loại tã lót, quần áo trẻ đang sử dụng có gây ngứa ngáy, tổn thương da của bé hay không.
- Phụ huynh cũng cần quan tâm đến những vùng da có nếp gấp nằm ở vùng cổ, vùng kín, bẹn, bắp tay, bắp chân của bé,... xem có bị hăm đỏ, viêm nhiễm hay lở loét không.
- Nếu tình trạng gồng cứng người của trẻ vẫn tiếp diễn, có thể bé bị thiếu chất, đặc biệt là canxi. Phụ huynh nên cân đối thực đơn hằng ngày của trẻ để đảm bảo không thiếu cả những dưỡng chất khác.
- Nếu tình trạng gồng cứng của trẻ vẫn tiếp tục kéo dài, cùng với đó trẻ có thêm biểu hiện như khóc lớn, hay nôn mửa, chậm phát triển thì bạn cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân thật sự của tình trạng này.