Vị Thái hậu nhường ngôi của con vì dân tộc

26/12/2015 - 11:42
Thái Hậu Dương Vân Nga (952-1000) được sử sách nhắc đến là Lưỡng triều Hoàng hậu - hoàng hậu hai triều. Vì lợi ích dân tộc, bà đã dám hi sinh ngôi báu của chính con trai mình.
Năm 968, sau khi dẹp xong "loạn 12 sứ quân", thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Theo lễ giáo Trung Hoa xưa, Vua chỉ lập một hoàng hậu, dưới đó là các phi, tần, cung nhân được phân định theo phẩm cấp khác nhau. Nhưng vua Đinh lập một loạt cả năm hoàng hậu. Trong số năm bà hoang hậu ấy có bà Dương Vân Nga, vốn là con ông Dương Thế Hiển quê ở vùng Nho Quan (Ninh Bình), là người có nhan sắc và hiểu biết nên được vua Đinh rất yêu.

Vệ Vương Toàn – lên nối ngôi vua khi mới 6 tuổi, tôn vua cũ là Tiên Hoàng đế; mẹ đẻ là Dương Vân Nga làm Hoàng thái hậu.

Sự nghiệp thống nhất đất nước vừa được hoàn thành thì đã bị đe dọa từ nhiều phía, bên ngoài phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh để xâm lược. Bên trong các triều thần tranh chấp gay gắt có nguy cơ xảy ra nội chiến. Vì vậy Dương Vân Nga đã phải cáng đáng những khó khăn vượt quá sức một người đàn bà trong cung vàng điện ngọc.

Chính từ khó khăn đó Dương Vân Nga đã phong Lê Hoàn làm Phó vương nắm quyền nhiếp chính. Hoàng thái hậu Dương Vân Nga sai Lê Hoàn lựa tuyển dũng sĩ để kháng chiến.

 Hình tượng Thái Hậu Dương Vân Nga trên sân khấu

Theo sự tiến cử của Lê Hoàn, Phạm Cự Lượng (người Chí Linh, Hải Dương) được phong làm Đại tướng quân. Cự Lượng lại là người vì nghĩa lớn của dân tộc và thấy được Lê Hoàn là người duy nhất có tài năng đảm đương được trách nhiệm nặng nề lúc đó. Ông và các tướng đều mặc nhung phục, vào thẳng trong điện đình xin Hoàng thái hậu cho tôn Lê Hoàn lên làm vua.

Dương Thái hậu thấy quân sĩ đều tung hô, ai cũng một lòng hả hê mến phục, liền sai lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn, rồi chính Dương Thái hậu khuyên mời Lê Hoàn lên làm vua. Lê Hoàn bấy giờ mới lên ngôi, đổi niên hiệu, giáng Đinh Toàn xuống làm Vệ Vương như cũ, chấm dứt một triều đại chuyển sang triều đại mới - Triều Lê (còn gọi là nhà Tiền Lê).

Tháng 3 năm Tân Tỵ (981) cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy đã thắng lợi hoàn toàn. Sau thắng lợi, Lê Hoàn dốc sức chăm lo xây dựng đất nước. Kinh đô nhà Lê vẫn đóng tại Hoa Lư.

Vua lại lập 5 Hoàng hậu, trong đó Dương Thái hậu của triều đình cũ được lập lại làm "Đại thắng Minh Hoàng hậu". Thế là Thái hậu của triều Đinh lại làm Hoàng hậu của triều Lê.

Năm Canh Tý (1000), sau 19 năm làm Hoàng hậu của triều Lê, Đại thắng Minh Hoàng hậu qua đời.

Nhân dân khi làm đền thờ bà đã tô đỏ mặt của pho tượng Dương thái hậu. Theo truyền thuyết dân gian thì việc tô mặt đỏ thể hiện sự ngượng ngùng của người đàn bà thờ hai đời chồng, một Hoàng hậu thờ hai đời vua.

Theo quan điểm của các sử gia, nếu Dương Vân Nga không biết đặt lợi nước lên trên quyền lợi của dòng họ, ngoan cố bảo vệ ngai vàng cho đứa con nhỏ của mình, sẽ gây ra nạn tranh giành, đẩy đất nước vào thảm cảnh rối loạn và kết cục là bị mất nước vào tay giặc ngoại xâm nhà Tống.

Sự lựa chọn và quyết định của Dương Vân Nga trong hoàn cảnh ấy, đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người có khối óc lớn, thức thời, xứng đáng được coi là anh hùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm