Vị thánh của những người cùng khổ

06/04/2016 - 16:35
Có một người phụ nữ đã thành nhân vật nổi tiếng toàn cầu với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng trên khắp thế giới – đó là mẹ Teresa huyền thoại.

Mẹ Teresa tên thật là Agnes Gonxha Bojaxhiu, sinh ngày 27/8/1910 tại Albania trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Cha cô là ông Nikola, một doanh nhân, chủ một công ty và một cửa hàng thực phẩm. Ông là người từng đi nhiều nơi, biết nhiều thứ tiếng và rất quan tâm đến chính trị. Cùng với vợ mình là bà Drana, ông đã dạy cho Agnes những bài học bác ái đầu tiên. Agnes rất thích đi nhà thờ, cô cũng thích đọc sách, cầu nguyện và ca hát.

chn-dung-m-teresa-nh-afp.jpg
 Chân dung mẹ Teresa.

Người cha đột ngột qua đời lúc cô 8 tuổi, bỏ lại gia đình trong cảnh khó khăn về tài chính. Thế nhưng, mặc cho cuộc sống có vô vàn khó khăn, mẹ bà vẫn nuôi dạy các con chu đáo và lấy cuộc sống của mình làm tấm gương sáng tác động đến nhân cách của các con. Họ luôn quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ và túng thiếu. Mẹ cô tình nguyện chăm sóc một phụ nữ nghiện rượu ở gần nhà. Mỗi ngày 2 lần, bà đến tắm rửa và cho người phụ nữ ấy ăn, đồng thời bà cũng chăm sóc một bà góa có 6 con. Những ngày bà không đi được, Agnes thay mẹ đi làm những công việc đó. Khi bà góa qua đời, những người con của bà đến sống với bà Drana như con ruột của mình.

Năm 18 tuổi, Agnes rời khỏi gia đình và gia nhập vào dòng tu Loreto ở Dublin (Ailen). Sau khóa huấn luyện ngắn ở Dublin, Agnes được gửi đến Ấn Độ, nơi cô được cử hành nghi lễ khấn lần đầu tiên (một nghi lễ bắt buộc của các nữ tu Thiên Chúa giáo), chính thức trở thành một nữ tu và đổi tên thành Teresa (phỏng theo tên của Thánh nữ Theresa Lisieux).

Tại Ấn Độ, từ năm 1931 đến năm 1948, Mẹ Teresa dạy học cho một trường trung học ở Calcutta nhưng những người bệnh tật và nghèo khổ đang sống lay lắt bên ngoài cánh cổng tu viện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nữ tu ấy, để rồi năm 1948, Mẹ nhận được sự chấp thuận của bề trên rời khỏi dòng tu để sống tận tụy giúp đỡ cho những người cùng khổ trong thành Calcutta. Dù không hề có bất kỳ một trợ cấp nào, Mẹ vẫn mở một trường học ngoài trời cho trẻ em sống trong khu ổ chuột. Bà trở thành hiệu trưởng và thành lập một tổ chức được biết dưới tên “Những chị em gái của thánh Anne” với trang phục sari hai màu xanh trắng.

Một ngày năm 1949, cô học trò cũ giàu có tìm đến với Mẹ. Trút bỏ hết phấn son và trang sức trên người, cô bé quyết tâm xin theo cùng Mẹ Teresa phục vụ người nghèo và bị bỏ rơi. Từ đó, số người đến xin theo Mẹ tăng dần lên. Mẹ bắt đầu thành lập dòng nữ tu Thừa sai Bác ái với 12 nữ tu đầu tiên dưới sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng ngày 07/10/1950. Dòng  nữ tu Thừa sai Bác ái có tôn chỉ là yêu thương và phục vụ người nghèo.

Năm 1952, Mẹ Teresa mở ngôi nhà đầu tiên chăm sóc người sắp chết. Với sự hỗ trợ từ các viên chức Ấn Độ, bà cho sửa một ngôi đền hoang phế thành ngôi nhà cho những người hấp hối, một trại điều dưỡng miễn phí cho người nghèo.

3.jpg
 Me Terasa đã có nhiều hoạt động nhân đạo cứu giúp những người khốn cùng trên khắp thế giới.

Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ sau đó đã lan rộng khắp thế giới. Họ giúp đỡ những người cùng cực trong xã hội ở một số quốc gia của Châu Á, Châu Phi và Châu Mĩ La tinh. Họ vệ sinh, chăm sóc cho người đang hấp hối vì bão lụt, bệnh dịch, đói khát và tị nạn để họ bớt đau đớn trước khi mất, chăm sóc cho những bệnh nhân AIDS, vô gia cư và nghiện rượu.

Hoạt động nhân đạo của mẹ Teresa còn lan rộng sang các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc và Cuba. Năm 1986, mẹ Teresa đã vận động thành lập một viện dưỡng lão ở Matxcơva và là người đầu tiên có mặt ở thành phố Yerevan (Cộng hòa Acmênia) sau trận động đất dữ dội năm 1988.

Khi còn sống, mẹ Teresa thường kể lại nguyên nhân thúc đẩy bà đến với các hoạt động nhân đạo: “Một hôm tôi gặp một phụ nữ đang hấp hối trong một thùng rác, thân thể bị kiến và chuột gặm nhấm. Người phụ nữ này kêu lên: Con trai tôi đã bỏ rơi tôi! Trước tình cảnh thương tâm ấy, tôi và các cộng sự đã đem người phụ nữ này về chăm sóc. Nhưng chỉ vài giờ sau bà ta đã qua đời…”. Nhớ lại câu chuyện này, mẹ Teresa thường khóc và tâm sự : “Đối với tôi, điều hạnh phúc nhất là có thể giúp cho người ta chết một cái chết xứng đáng với phẩm giá con người”.

Trong thời gian làm y tá ở các khu ổ chuột tại thành phố Calcutta, mẹ Teresa đã vượt qua tất cả những rào cản về bệnh tật, tôn giáo, địa vị xã hội… để đến với những con người bất hạnh. Tấm lòng nhân ái của mẹ đã gây xúc động lớn cho cộng đồng. Một sinh viên Pháp khi đang thực tập ở trại tiếp nhận người già tại Calcutta đã ghi lại : “Trại có thể tiếp nhận khoảng 100 người, nuôi ăn và chăm sóc cho họ. Mùi hôi thối ở trại này ngửi đến lợm giọng. Nó tổng hợp đủ thứ từ phân người, thuốc men, thân xác con người và hàng trăm thứ khác, cộng với khí trời oi bức. Nhưng chính trong bối cảnh nghèo đói ấy người ta mới cảm nhận hết tấm lòng nhân ái bao la của Mẹ Teresa”.

Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa có hơn 4.000 nữ tu, và từ khi thành lập đến nay mỗi năm dòng giúp nuôi 50.000 gia đình nghèo, dạy dỗ cho 20.000 trẻ em và săn sóc 90.000 người mắc bệnh phong trong các bệnh viện riêng ở 10 quốc gia.

Dòng Thừa sai Bác Ái trên toàn cầu được tài trợ và giúp đỡ bởi các cộng sự  sau này trở thành một hiệp hội quốc tế chính thức vào ngày 29/03/1969. Đến năm 1990, dòng có hơn 1 triệu cộng sự đến từ hơn 40 quốc gia.

4.jpg
 Một bức ảnh của Mẹ Teresa.

Việc làm của Mẹ Teresa được cả thế giới ngưỡng mộ và ghi nhận. Chính phủ Ấn Độ đã trao tặng Mẹ giải Padmashree và vào năm 1965. Đức Giáo hoàng Paul VI đã đặt dòng tu Bác ái trực tiếp dưới sự kiểm soát của tòa Thánh, bên cạnh đó còn đề nghị Mẹ Teresa mở rộng dòng tu sang các quốc gia khác ngoài Ấn Độ. Năm 1979, Mẹ Teresa được trao tặng giải Nobel Hòa bình, giải thưởng quốc tế danh giá ghi nhận nỗ lực của mẹ dành cho những con người nhỏ bé, bần cùng trong xã hội. Năm 1985, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan trao tặng cho Mẹ Teresa Huân chương Tự do.

Mẹ từ trần vào ngày 5/9/1997 sau hơn 50 năm phục vụ những người khốn cùng, để lại sự mất mát không chỉ cho riêng người dân Albania hay Ấn Độ, mà cho toàn nhân loại. Mọi người vẫn nhớ về câu nói của Mẹ: “Về huyết thống, tôi là người Albania. Về quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Về tôn giáo, tôi là một nữ tu Công giáo. Nói về tiếng gọi của cuộc đời, tôi thuộc về thế giới. Về trái tim, tôi thuộc trọn vẹn về Jesus".

Ngày 15/3 vừa qua, Giáo hoàng Francis thông báo Mẹ Teresa sẽ được phong Thánh của Giáo hội Công giáo La Mã vào buổi lễ diễn ra vào ngày 4/9/2016 tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm