Việc cần làm để không trắng tay sau ly hôn

29/04/2016 - 23:03
Pháp luật có những quy định về phân chia tài sản sau ly hôn, nhưng không ít phụ nữ vẫn phải ra đi tay trắng sau chia tay, dù đóng góp nhiều công sức, tiền bạc vào khối tàn sản chung.
Có những người vợ hơn 20 năm tạo dựng cơ ngơi nhưng khi chia tay, phải ra đi tay trắng. Chị Nguyễn Thu Hồng, ở Bình Dương, là ví dụ. Chị Hồng làm việc tại một cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, chị còn tranh thủ buôn bán bất động sản. Thời kỳ đất đai đang ‘sốt’, chị kiếm được khá nhiều tiền. Số tiền thu được, cùng nuôi các con ăn học, chị còn đầu tư xây mới căn nhà ở quê mà bố mẹ chồng chị hứa cho anh chị. 

Cùng với đó, chị còn mua được vài lô đất nhưng do bận nên chị để chồng tự đi làm thủ tục sang tên. Khi kinh tế khấm khá thì những mâu thuẫn gia đình bắt đầu nảy sinh. Trong khi một mình chị vừa phải kiếm tiền, lo cho 2 con ăn học thì chồng bắt đầu đổi tính. “Anh ấy bắt đầu tụ tập với những bạn bè nhàn rỗi, rượu chè suốt ngày đêm, tính tình cọc cằn, thường hay mắng vợ, con”, chị buồn rầu nhớ lại. Đến một ngày, mọi chuyện vượt quá giới hạn và chị đã quyết định ly hôn trong lúc tâm trí rối bời. Nhưng tất cả chưa là gì khi chị phát hiện ra sự thật phũ phàng: Mọi giấy tờ liên quan đến nhiều tài sản giá trị đều không có tên chị và chồng mà đứng tên anh em họ hàng của chồng.

Khi biết sự thật, chị cũng đã tham khảo ý kiến luật sư về đòi lại số tài sản. Tất cả chỉ nhận được câu trả lời: Tòa không thể phân xử số tài sản ấy vì chị không thể chứng minh được nó là của mình. Còn với căn nhà bên chồng do chị bỏ tiền ra xây dựng, cũng không thể phân chia, vì chưa có giấy tờ nào chứng minh đó là tài sản của vợ chồng chị. Số tài sản trên đất, cũng khó chia, vì chị không chứng minh căn nhà ấy được xây dựng bằng tiền của chị…
trang-tay-sau-ly-hon-01.jpg
Nhiều phụ nữ trắng tay sau ly hôn vì chủ quan. Ảnh minh họa
Cũng như chị Hồng, chị Phương, ở Hà Nội ra đi tay trắng khi ly hôn. Khi còn chung sống, Phương bỏ tiền túi và vay mượn đưa cho chồng mở công ty. Sau này cô mới biết, công ty đó do chị chồng của Phương đứng tên. “Chị bảo, ai đời vợ chồng với nhau, khi đưa tiền, kể cả tiền em vay mà lại yêu cầu ghi giấy tờ, nhưng thật không ngờ…’, Phương bỏ lửng câu nói, đôi mắt ngấn lệ.

Trước khi ra tòa, do có tranh chấp về tài sản nên Phương có tìm đến luật sư nhờ tư vấn. Tuy nhiên, cô không thể đòi được số tiền đưa cho chồng, vì không có giấy tờ chứng minh và công ty thì cũng không do chồng cô làm chủ. Thời gian chung sống, Phương ở nhà chồng nên một số tài sản khác như ti vi, điều hòa mà Phương bỏ tiền ra mua khó có thể chia, vì cô không còn giữ hóa đơn mua bán chúng sau hôn nhân.

Mọi tài sản đều có thể chia đôi

Theo Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mọi tài sản mua sắm, đầu tư sau hôn nhân mà chứng minh được đều chia đôi khi ly hôn. Về tài sản sau hôn nhân không đứng tên chủ sở hữu như nhà cửa, nếu vợ/chồng bỏ tiền ra xây dựng trong thời kỳ hôn nhân, vẫn có thể được chia đôi giá trị tài sản trên đất đó, nếu chứng minh được công sức, tiền bạc mà mình bỏ ra, thậm chí chỉ cần có người làm chứng.
ls-quyen.JPG
Luật sư Bùi Sinh Quyền
Để phòng bất trắc, nếu cha mẹ cho đất làm nhà thì vợ chồng nên làm các thủ tục sang tên, làm sổ đỏ đứng tên cả vợ, chồng. Còn tài sản trong nhà, nếu muốn chia thì phải có giấy tờ, hóa đơn chứng minh mua sắm trong thời kỳ hôn nhân. Về góp vốn mở công ty, đầu tư kinh doanh khác cũng vậy nhưng cần có giấy tờ chứng minh là mình bỏ tiền ra, giấy tờ đó cần có người làm chứng hoặc tốt nhất là công chứng.

Nếu không muốn gặp rắc rối khi hôn nhân có vấn đề, khi đưa tiền cho chồng đầu tư kinh doanh, mua sắm tài sản có giá trị, chị em có thể làm văn bản yêu cầu chồng ký và có người làm chứng; còn giấy tờ tài sản khác nên đứng tên 2 vợ chồng. Chỉ như vậy thì luật pháp mới có thể can thiệp. Để không thiệt thòi và phải ra đi tay trắng khi ly hôn, chị em cần trang bị những kiến thức pháp luật về vấn đề này, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 hoặc tìm đến các trung tâm trợ giúp pháp lý, văn phòng luật sư để được tư vấn, hỗ trợ.

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích đối với tài sản của mình trong đời sống hôn nhân cũng như tránh những tranh chấp rủi ro khi ly hôn, phụ nữ nên mạnh dạn thỏa thuận với người chồng tương lai về tài sản trước và trong hôn nhân. Các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định thì mới có giá trị pháp lý.

                         Kinh nghiệm bảo vệ tài sản sau ly hôn ở nhiều nước

Tại nhiều nước, “hợp đồng hôn nhân” hay còn gọi là “khế ước tiền hôn nhân”, được áp dụng khá phổ biến. Ở Thái Lan, Bộ luật Dân sự và Thương mại có những quy định về hợp đồng hôn nhân. Đây được coi là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho các cặp đôi có thể liệt kê các tài sản và các khoản nợ có trước thời kì hôn nhân. Hợp đồng này sẽ giúp họ tránh được các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản cũng như nghĩa vụ cơ sở để bảo vệ tài sản riêng của cá nhân.

Còn tại Iran, việc lập hợp đồng trước hôn nhân cũng rất được coi trọng. Luật pháp Iran coi đây là một trong những biện pháp tốt, giúp các cặp đôi dễ dàng hơn trong việc xử lý những rắc rối liên quan tranh chấp tài sản khi ly hôn.

Nghe luật sư Bùi Sinh Quyền nói về cách hạn chế trắng tay sau ly hôn:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm