Việc "chân trong chân ngoài" dễ mất "cả chì lẫn chài"

13/11/2017 - 13:59
Với không ít người, việc làm thêm được coi là một giải pháp hữu hiệu để cải thiện thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc làm thêm cũng mang lại chỉ toàn lợi ích. Nhiều khi nó gây nên những tác hại không nhỏ.
Chồng làm công chức với đồng lương không quá cao, chị Quỳnh Mai với công việc phó phòng nhân sự tại một doanh nghiệp nước ngoài ở TPHCM trở thành lao động chính, mang lại phần lớn nguồn thu nhập cho gia đình, đảm bảo các khoản chi tiêu như tiền chợ, tiền điện nước, tiền học cho con…

Tuy nhiên, các con càng lớn, chi phí cho việc học ngày càng gia tăng, nên “quy hoạch” về tài chính gia đình có nguy cơ bị phá vỡ. Thế là chị Mai buộc phải nghĩ tới chuyện đi làm thêm để tăng thu nhập.

cang-thang-gay-kinh-nguyet-khong-deu.jpg
Với không ít người, việc làm thêm được coi là một giải pháp hữu hiệu để cải thiện thu nhập cho gia đình.  Ảnh minh họa: Internet

Qua giới thiệu của bạn bè, chị được nhận vào làm bán thời gian cho một công ty truyền thông, với nhiệm vụ chính là điều tiết đội ngũ nhân sự nhằm hoàn thành các kế hoạch hoạt động của công ty, với mức lương khá “lý tưởng”: 20 triệu đồng/tháng, tức bằng 70% mức thu nhập chính.

Ban đầu, chị nghĩ rằng công việc ở đây khá nhẹ nhàng và phù hợp với chuyên môn của mình, thế nhưng, ngay sau 2 tháng đầu, nhiều khó khăn đã bắt đầu ập đến. Đầu tiên là công việc làm thêm không hề tiêu tốn ít thời gian như chị nghĩ.

Để có thể điều tiết được lực lượng nhân sự một cách hợp lý, chị phải dành khá nhiều thời gian làm quen với mọi người, tìm hiểu về đặc điểm tâm lý, tính cách, hoàn cảnh của mỗi người… Muốn làm được việc này, chị không còn cách nào khác, buộc phải “ăn bớt” thời gian tại công ty chính của mình để qua nơi làm thêm, mỗi ngày không dưới 3 tiếng.

Thế nhưng, chừng đó vẫn là chưa đủ. Công việc tại nơi làm thêm còn đòi hỏi chị phải nghiên cứu rất kỹ về các kế hoạch hoạt động, kinh doanh - được cập nhật chi tiết theo từng ngày. Thế là chị phải dành thêm 2-3 tiếng vào buổi đêm để làm việc.
lamviec.jpg
Không phải lúc nào việc làm thêm cũng mang lại chỉ toàn lợi ích. Nhiều khi nó gây nên những tác hại không nhỏ.  Ảnh minh họa: Internet

Mặc dù vậy, do bị phân tâm giữa 2 công việc nên chị sớm rơi vào tình trạng “lẫn lộn” giữa công việc của 2 công ty. Kết quả là ngay từ tháng thứ 2, hàng loạt sai sót trong công việc đã bộc lộ, khiến hiệu suất làm việc ở cả 2 nơi đều bị giảm sút.

Nhận thấy nguy cơ bị mất việc đang hiện ra ngày một rõ, chị Mai càng cố gắng làm việc nhiều hơn. Sự căng thẳng về tâm lý, cùng với sự gắng sức quá mức đã khiến cho sức khỏe của chị nhanh chóng bị suy kiệt. Lúc nào chị cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Cuộc sống gia đình cũng vì thế mà trở nên nặng nề, chẳng mấy khi chị tỏ ra vui vẻ, thoải mái với chồng con.

Sau một cuộc làm việc khá căng thẳng, nhận không ít lời phê phán từ lãnh đạo công ty - nơi làm thêm, chị Mai quyết định xin nghỉ việc để tập trung cho công việc chính, cũng là để chủ động giải tỏa áp lực nặng nề trong cuộc sống. Chị nghĩ rằng, mình cần được nghỉ ngơi một thời gian để suy nghĩ, tính toán mọi việc một cách tỉnh táo, chuẩn xác hơn.

Phải mất tròn 1 tháng, chị mới lấy lại trạng thái cân bằng. Chị Mai bắt đầu nghĩ tới những công việc làm thêm mà mình có thể đảm nhiệm trong tương lai. Với kinh nghiệm từ bài học vừa trải qua, chị xác định công việc làm thêm sắp tới sẽ không quá nặng nề, không tốn quá nhiều thời gian, không phải chịu trách nhiệm quá lớn và hơn cả là không được ảnh hưởng tới công việc chính cũng như tiềm ẩn những nguy cơ đối với hạnh phúc gia đình.

Tất nhiên, mức thu nhập thêm sẽ không cao bằng, chị sẽ phải điều chỉnh kế hoạch chi tiêu cho hợp lý. Nhưng dẫu sao, như vậy còn tốt hơn là lao đầu vào những áp lực quá lớn, rất có thể bị “mất cả chì lẫn chài”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm