pnvnonline@phunuvietnam.vn
Viêm đường hô hấp cấp 'vào mùa': Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu bệnh đã có biến chứng
TS.BS Nguyễn Huy Luân, Phụ trách Phòng khám Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, nhiễm virus có sốt thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ấm.
Nhiễm virus thường do các nguyên nhân sau: cúm, Rhinovirus, Adenovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV).
Sốt do virus có thể ở nhiều mức độ khác nhau, thường gặp ở mức độ sốt nhẹ hay trung bình, một số ít trẻ có sốt cao liên tục. Tại Phòng khám Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đa phần các trường hợp tới khám do sốt cao, trẻ quấy khóc, ăn kém… Các triệu chứng kèm theo là ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, chảy mũi trong, đau cơ, đau đầu, phát ban…
Trường hợp bệnh nhi T (12 tháng tuổi, tại TP.HCM) được chẩn đoán mắc cúm A có biến chứng viêm phổi. Mẹ T cho biết, vào buổi sáng con vẫn đi học như bình thường. Tới buổi chiều gia đình nhận được tin nhắn con sốt, chảy nước mũi trong.
Theo chị H (mẹ bé T), ngày đầu con chỉ sốt 38,5 độ C, sang ngày thứ 2 con sốt tới 39 độ C chị cho con nghỉ học ở nhà chăm sóc. Tới ngày thứ 3 bé T vẫn sốt cao, ho nhiều, thở nhanh.
Chị H đã đưa con đi khám, kết quả bé T được chẩn đoán viêm phổi do virus cúm và phải nhập viện.
TS.BS Huy Luân cho hay, thời tiết đang ở giai đoạn giao mùa, mưa nhiều, nhiệt độ xuống thấp là cơ hội cho virus phát triển và gây bệnh.
Trẻ sốt virus sẽ có các triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Sốt virus thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có sức khỏe tốt và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và tự khỏi sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần căn cứ theo tình trạng bệnh của từng trẻ để quyết định cho trẻ điều trị ở nhà hay nhập viện.
Đối với trẻ nhỏ, nhiễm virus nếu không được chăm sóc tốt rất dễ gặp phải những biến chứng như: viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, …
Biến chứng nguy hiểm
Biến chứng viêm phổi thường gặp ở những trường hợp trẻ nhỏ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… Bệnh có thể diễn biến nặng hơn như suy hô hấp, cần hỗ trợ thở oxy, kháng sinh và có thể dẫn đến tử vong. Riêng với trẻ mắc cúm, ngoài biến chứng gây viêm phổi còn có thể viêm não, viêm cơ tim.
TS.BS Huy Luân cho biết, hiện các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu trẻ sốt virus đơn thuần có thể điều trị tại nhà có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:
- Mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và làm sạch mũi cho bé dễ thở. Có thể dùng một số thuốc giảm ho thảo dược.
- Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, ăn thêm trái cây hoặc nước ép trái cây.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi có sốt cao 38,5 độ C, với liều lượng thuốc paracetamol 10-15mg/kg cân nặng, cách 6 giờ uống lại nếu trẻ còn sốt. Hạn chế dùng các thuốc chứa thành phần ibuprofen (tên biệt dược: Sotstop, Brufen…) với những trẻ sốt cao liên tục do nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết có thể tăng nặng nếu dùng ibuprofen.
Trong quá trình chăm sóc trẻ, bố mẹ không nên quá lo lắng hoặc quá chủ quan. Cần chăm sóc trẻ chu đáo, phát hiện được dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám.
Một số dấu hiệu nặng mà cha mẹ cần chú ý là:
- Sốt 2 - 3 ngày không thuyên giảm.
- Sốt kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, phát ban, mụn nước trên da, giật mình, co giật, ho đàm nhiều, thở nhanh, tiêu chảy…
TS.BS Huy Luân lưu ý, để phòng ngừa nhiễm virus cho trẻ, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc nguồn lây (người đang nhiễm virus, nơi đông người, muỗi,...).
Đồng thời, cha mẹ cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống thoáng khí trong sạch, vui vẻ, lành mạnh.
Ngoài ra, cần tiêm phòng đầy đủ vaccin để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại virus.