pnvnonline@phunuvietnam.vn
Viêm họng khi mang thai 3 tháng đầu chữa như thế nào an toàn nhất?
Nguyên nhân viêm họng khi mang thai 3 tháng đầu
3 tháng đầu là thời gian vô cùng nhạy cảm, hệ miễn dịch của phụ nữ bị suy giảm, nội tiết tố thay đổi khiến cơ thể thích nghi nên rất dễ bị các tác nhân bên ngoài tấn công và gây bệnh. Trong giai đoạn 3 tháng đầu khi mang thai bà bầu bị viêm họng thường là do:
- Thời tiết và nhiệt độ thay đổi đột ngột
- Nhiễm virus
- Bị hen suyễn
- Bị dị ứng
- Nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm
- Căng cơ họng
Có thai 3 tháng đầu mẹ bầu rất dễ bị viêm họng. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu nhận biết mang thai 3 tháng đầu bị viêm họng
Ở 3 tháng đầu của thai kỳ cơ thể mẹ rất yếu và vẫn còn đang nghén nên rất dễ mắc bệnh. Phát hiện viêm họng sớm dễ điều trị hơn và an toàn hơn cho sức khỏe của mẹ và bé. Những dấu hiệu mang bầu 3 tháng đầu bị viêm họng đó là:
- Cổ họng đau, ngứa rát
- Amidan và hạch bạch huyết bị sưng lên
- Ăn không ngon, cảm thấy khó nuốt
- Đau đầu và sốt nhẹ, hâm hấp sốt
- Ho thường xuyên
Theo các bác sĩ chuyên khoa viêm họng khi có bầu 3 tháng đầu thường không quá nguy hiểm, không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, bệnh càng để lâu mẹ bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, kém ăn, suy nhược cơ thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mẹ và bé. Vì vậy, bà bầu cần phát hiện sớm chứng viêm họng và điều trị kịp thời.
Viêm họng khi mang thai 3 tháng đầu chữa như thế nào?
Bầu 3 tháng đầu bị viêm họng thường không khuyến khích sử dụng kháng sinh bởi thuốc kháng sinh dễ gây dị tật thai nhi. Chính vì vậy, chữa viêm họng khi mang bầu ở giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ các mẹ hãy áp dụng những cách sau:
1. Súc miệng bằng nước muối ấm thường xuyên
Nước muối có tính kháng khuẩn tương đối cao, có thể làm sạch các vi khuẩn khu trú trong cổ họng. Đồng thời, nước muối ấm cũng có tác dụng làm loãng dịch nhầy trong cổ họng, giúp đẩy dịch nhầy ra ngoài, làm giảm nhanh các triệu chứng ngứa rát, khó nuốt.
Mẹ bầu nên hòa tan 1/2 thìa muối hạt vào 1 ly nước ấm và súc miệng vào buổi sáng để có được hiệu quả tốt nhất.
2. Uống trà gừng mật ong
Trà có chứa chất chống oxy hóa giúp tăng cường khả năng miễn dịch và tránh nhiễm trùng. Trà gừng mật ong giúp cổ họng được xoa dịu, làm sạch, kích thích quá trình chữa lành vết thương ở niêm mạc họng.
Các mẹ có thể thực hiện cho một lát gừng vào 200ml nước đun sôi khoảng 15 phút rồi pha với trà túi lọc. Khi uống cho thêm một muỗng mật ong vừa thơm, dễ uống lại có tác dụng chữa viêm họng tốt.
Trà gừng mật ong có tác dụng tích cực trong chữa viêm họng. (Ảnh minh họa)
3. Uống nước ấm
Khi bị viêm họng, ho không nên uống nước lạnh. Bà bầu nên sử dụng nước ấm, nước ấm sẽ giúp màng nhầy bị ẩm ướt, chống lại vi khuẩn, các chất kích thích gây dị ứng và các triệu chứng cảm lạnh.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, chế độ ăn uống đầy đủ để nâng cao sức đề kháng, tránh được các vi khuẩn, virus, các chứng cảm lạnh, sốt…
Một số bài thuốc chữa viêm họng cho bà bầu 3 tháng đầu tự nhiên
Những bài thuốc chữa viêm họng tự nhiên rất hiệu quả, an toàn và rất dễ thực hiện. Mẹ bầu có thể áp dụng những bài thuốc sau:
1. Chanh và muối chữa viêm họng
Chanh và muối đều có tính sát khuẩn tốt. Mẹ bầu hãy thái quả chanh thành từng lát mỏng rồi trộn với muối hạt ngậm. Ngày ngậm 5 lần sẽ thấy hiệu quả.
2. Dùng bột nghệ
Nghệ lành tính và cũng có khả năng kháng khuẩn tốt. Mẹ bầu chỉ cần lấy ½ thìa bột nghệ cho vào 1/2 cốc nước nóng, khuấy đều, thêm chút muối sạch. Uống ngày 1 lần và liên tục trong 3 ngày sẽ thấy hiệu quả giảm viêm, ngứa, ho.
Bột nghệ cũng có tác dụng tốt trong chữa viêm họng khi mang bầu. (Ảnh minh họa)
3. Lá tía tô chữa viêm họng
Mẹ bầu có thể dùng lá tía tô nghiền lấy nước uống 5 lần trong ngày giảm viêm họng. Hoặc mẹ có thể ăn cháo có nhiều hành, tía tô giúp tiêu diệt vi khuẩn trong họng.
4. Dùng giấm táo
Giấm táo có tác dụng rất tốt trong việc kháng khuẩn và diệt khuẩn. Mẹ chỉ cần pha 2 thìa giấm táo vào 1 cốc nước ấm súc miệng, uống mỗi ngày sẽ giảm các triệu chứng viêm, làm dịu cổ họng.
Đó là những cách chữa đơn giản nhưng hiệu quả, lại an toàn mẹ bầu bị viêm họng có thể áp dụng. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu sử dụng các bài thuốc chữa nhưng không thấy có dấu hiệu đỡ, kèm theo các biểu hiện như cổ họng càng đau rát hơn, tiêu chảy, chóng mặt, khó thở, sốt cao, phát ban trên da, bị ớn lạnh… thì mẹ nên tới gặp bác sĩ. Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng thuốc Tây để chữa trị bệnh.