Viêm mủ vòm thể giả mạc - bệnh dễ nhầm với triệu chứng của cúm A

Bài, ảnh: Hoàng Duy
11/08/2022 - 14:21
Viêm mủ vòm thể giả mạc - bệnh dễ nhầm với triệu chứng của cúm A

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Kiều Diễm (bìa trái) đang thăm khám cho bệnh nhân

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Kiều Diễm (Phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng Hà Nội) cho biết, khoảng 1 tuần gần đây có nhiều bệnh nhân bị viêm mủ vòm thể giả mạc đến khám. Bệnh gặp ở cả người lớn và trẻ em, xuất hiện chủ yếu trong độ tuổi từ 5 đến 45.

Anh P.H.T (40 tuổi) và vợ (36 tuổi) ở Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng lúc xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau họng, đau người và sốt cao từ ngày 21/7/2022. Nghĩ là sốt virus nên hai vợ chồng ở nhà dùng thuốc hạ sốt và uống oresol nhưng sang ngày thứ hai, tình trạng ngày càng nặng, anh sốt đến 40 độ C, mất ngủ, ăn uống kém... Khi tới khám bệnh thì anh được chẩn đoán viêm mủ vòm thể giả mạc.

"Bệnh viêm mủ vòm thể giả mạc là một loại bệnh diễn biến nhanh, triệu chứng nặng nhưng không có triệu chứng đặc hiệu nên nhiều người khi mắc phải sẽ chủ quan vì dễ nhầm với triệu chứng của cúm. Do đó, người bệnh dễ bỏ qua, khi bệnh diễn biến nặng mới đi khám và điều trị", bác sĩ Phan Kiều Diễm cho biết.

Theo bác sĩ Diễm, bệnh nhân bị viêm mủ vòm thể giả mạc khởi phát bệnh thông thường là sốt rất cao, dùng hạ sốt cũng không đỡ hoặc đỡ rất chậm; đau đầu nhiều, đau họng, đau người, ho khạc đờm có thể lẫn máu, người mệt mỏi, khó thở, khó ngủ, ăn uống kém. Có những bệnh nhân tự điều trị kháng sinh liều cao cả tuần bệnh vẫn không thuyên giảm, không cắt được sốt, toàn thân lại bị đau ê ẩm, cùng với đau họng, ho khạc đờm lẫn ít máu, khó thở, khó ngủ, triệu chứng nặng nề. Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân sức đề kháng kém hoặc sau nhiễm virus và xuất hiện nhiều hơn ở cả trẻ em và người lớn sau khi đi bơi ở bể bơi công cộng.

Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân đau đầu nhiều, sốt cao, trên vòm, thành sau họng và amidan của người bệnh xuất hiện các lớp màng dày màu trắng xám, mọc thành từng mảng lớn, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.

Khi mắc bệnh, nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Bác sĩ Diễm lưu ý, bệnh viêm mủ vòm hiện tại chưa phổ biến nên bệnh nhân dễ nhầm với sốt virus (cúm A). Do vậy, những bệnh nhân có các triệu chứng như trên cần đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng. Tại đây, bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị tại chỗ bằng cách hút mủ vòm, chấm thuốc đặc trị và điều trị kháng sinh kết hợp long đờm và chống viêm. Thông thường bệnh nhân sẽ cắt sốt và các triệu chứng giảm sau ngày điều trị đầu tiên.

Cách phòng bệnh

Để phòng bệnh, bác sĩ Diễm Phan Kiều khuyến cáo:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Bệnh viêm mủ vòm thể giả mạc là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy tránh tập trung nơi đông người và đeo khẩu trang thường xuyên khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.

- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng, ăn tăng cường các loại hoa quả và bổ sung các loại trái cây có nhiều vitamin C như cam, hạt hạnh nhân, các loại đậu non còn nguyên vỏ, bông cải xanh...

- Vệ sinh họng miệng hằng ngày bằng các loại nước như BBM, TB, nước muối loãng ấm hằng ngày.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm