pnvnonline@phunuvietnam.vn
Viêm ruột thừa ở trẻ em: Nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời
- 1. Viêm ruột thừa ở trẻ em có nguy hiểm không?
- 2. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở trẻ em
- 3. Các triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em
- 4. Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em
- 5. Điều trị viêm ruột thừa ở trẻ em
- 6. Trẻ mổ ruột thừa phải nằm viện bao lâu?
- 7. Khi nào trẻ nên được đưa đến gặp bác sĩ sau phẫu thuật?
Cũng giống như ở người lớn, viêm ruột thừa ở trẻ em là tình trạng xảy ra khi ruột thừa bị nhiễm trùng hoặc viêm. Triệu chứng chính thường là cơn đau dữ dội ở vùng bụng dưới bên phải của trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ nên nhận biết các triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em để có hướng xử trí kịp thời.
1. Viêm ruột thừa ở trẻ em có nguy hiểm không?
Ruột thừa là một cơ quan nhỏ hình ống gắn liền với ruột già, nó nằm ở phía dưới bên phải của bụng. Khi cơ quan này bị nhiễm trùng hoặc viêm sẽ dẫn đến bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em.
Viêm ruột thừa ở trẻ em là một tình trạng nguy hiểm. Nếu không được điều trị, ruột thừa của trẻ có thể bị vỡ ra. Một khi ruột thừa bị vỡ, vi khuẩn có thể lây lan khắp bụng của trẻ. Vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng – hay còn gọi là viêm phúc mạc. Trong một số trường hợp, ruột thừa vỡ có thể khiến vi khuẩn lây nhiễm vào máu gây nguy hiểm đến tính mạng – tình trạng đó được gọi là nhiễm trùng huyết.
Ở Mỹ, mỗi năm có đến 70.000 ca viêm ruột thừa ở trẻ em. Tình trạng này thường phổ biến ở trẻ em từ 10 -19 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất ở những trường hợp cần phẫu thuật ngoại khoa bụng khẩn cấp ở trẻ em.
2. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở trẻ em
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở trẻ em không phải lúc nào cũng xác định được. Tuy nhiên nguyên nhân thông thường là do tắc nghẽn ở một phần ruột thừa của trẻ. Tình trạng này cũng có thể được gây ra bởi:
- Nhiễm trùng ổ bụng;
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa;
- Bệnh viêm ruột;
- Phân hoặc ký sinh trùng phát triển bên trong ruột thừa của trẻ.
3. Các triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em
Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em thường là sốt nhẹ và cảm giác đau quanh rốn. Ban đầu, nó có vẻ như chỉ là một cơn đau bụng thông thường. Nhưng với viêm ruột thừa, cơn đau thường dữ dội và di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng.
Nếu trẻ bị đau bụng, hãy theo dõi những dấu hiệu sau để xác định đó có phải viêm ruột thừa hay không:
- Đau dữ dội ở khu vực quanh rốn hoặc phía dưới bên phải của bụng. Ban đầu, cơn đau có thể xuất hiện rồi biến mất; nhưng sau đó sẽ tăng đần đều và ngày càng dữ dội hơn.
- Trẻ sốt nhẹ
- Chán ăn, ăn mất ngon
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Tiêu chảy; thường trẻ đi tiêu lượng phân ít và có chất nhầy
- Bụng trẻ sưng lên
Nếu cơn đau lan khắp bụng, điều đó có nghĩa là có thể ruột thừa đã vỡ. Trẻ sốt cao đến 40 độ C là một dấu hiệu khác của ruột thừa bị vỡ.
Hãy theo dõi những triệu chứng đau bụng của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện nếu nghĩ rằng trẻ bị viêm ruột thừa. Việc phát hiện càng sớm thì điều trị sẽ càng dễ dàng hơn.
4. Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em
Các triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em rất giống với các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như sỏi thận, viêm phổi hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Do vậy, việc chẩn đoán có thể là một thách thức đối với bác sĩ nhi khoa.
Để chẩn đoán trẻ có bị viêm ruột thừa hay không, bác sĩ sẽ khám bụng để tìm kiếm vị trí cơn đau. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhi thực hiện siêu âm, chụp X-quang bụng và ngực; hoặc hoặc chụp CAT để chụp ảnh các cơ quan, mạch máu và hạch bạch huyết bụng.
Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ không ăn uống để chuẩn bị cho phẫu thuật nếu có.
5. Điều trị viêm ruột thừa ở trẻ em
Đôi khi, viêm ruột thừa ở trẻ em có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nhưng thông thường, viêm ruột thừa được điều trị bằng cách cắt bỏ ruột thừa. Việc phẫu thuật cắt ruột thừa có thể được thực hiện theo một trong hai cách:
Phẫu thuật nội soi: Khi thực hiện phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, bác sĩ sẽ rạch một số vết cắt nhỏ ở khu vực bên phải bụng dưới của bệnh nhi. Sau đó, họ sẽ sử dụng các công cụ nhỏ để loại bỏ ruột thừa thông qua các vết mổ. Loại phẫu thuật này thường có thời gian hồi phục ngắn và tỷ lệ nhiễm trùng thấp hơn.
Phẫu thuật mở ổ bụng: Đối với cách phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường lớn hơn ở khu vực bên phải bụng dưới của trẻ. Phẫu thuật mở thường được sử dụng trong trường hợp viêm ruột thừa phức tạp hơn. Nhược điểm của loại thuật này là thời gian hồi phục sẽ kéo dài hơn.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhi sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh dự phòng. Ca phẫu thuật sẽ mất khoảng 1 giờ để thực hiện và trẻ sẽ được gây mê toàn thân.
6. Trẻ mổ ruột thừa phải nằm viện bao lâu?
Việc trẻ phải nằm viện bao lâu phụ thuộc phần lớn vào tình trạng viêm ruột thừa nặng hay nhẹ. Đối với trường hợp viêm ruột thừa cấp tính được phát hiện sớm, hầu hết bệnh nhi ở lại qua đêm và có thể xuất viện về nhà vào ngày hôm sau phẫu thuật.
Đối với trường hợp viêm ruột thừa tiến triển, khi ruột thừa bị vỡ, bệnh nhi sẽ cần phải ở lại bệnh viện khoảng 5 ngày để được tiêm thêm thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Điều này sẽ giúp điều trị tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, đồng thời ngăn ngừa bệnh tái phát. Trong thời gian nằm viện, trẻ sẽ được tiêm thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh.
Khi trẻ có thể ăn uống bình thường; cơ thể hết sốt; hết chảy dịch từ vết mổ và đi tiêu bình thường thì trẻ có thể xuất viện.
Hầu hết trẻ sau phẫu thuật cắt ruột thừa sẽ hồi phục nhanh chóng mà không cần thay đổi quá nhiều về chế độ ăn uống hay sinh hoạt. Tuy nhiên, trẻ được phẫu thuật nội soi nên hạn chế hoạt động thể chất trong 3-5 ngày đầu hồi phục; trẻ em thực hiện phẫu thuật mở ổ bụng nên nghỉ ngơi từ 10-14 ngày trước khi tham gia các hoạt động thể chất.
7. Khi nào trẻ nên được đưa đến gặp bác sĩ sau phẫu thuật?
Thông thường, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám cho trẻ từ 2-4 tuần sau khi trẻ mổ cắt ruột thừa. Khi tái khám, bác sĩ sẽ kiểm tra vết thương và đánh giá quá trình hồi phục của trẻ,
Trong thời gian hồi phục, tình trạng sưng nhẹ xung quanh vết mổ của trẻ là bình thường. Hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ trở lại bệnh viện nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây:
- Trẻ sốt hoặc sốt cao;
- Vết mổ của trẻ ngày càng đau nhiều hơn;
- Trẻ nôn ói;
- Vết mổ sưng tấy, đỏ và tiết dịch.