pnvnonline@phunuvietnam.vn
Viêm tai giữa ở trẻ khi nào cần nhập viện?
Viêm tai giữa ở trẻ xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa. Khi bị viêm tai giữa khoang tai này có thể chứa đầy mủ (dịch bị nhiễm trùng), mủ đẩy lên màng nhĩ khiến trẻ bị đau tai, sưng/phồng màng nhĩ thậm chí là đau đầu.
1. Viêm tai giữa ở trẻ xảy ra do đâu?
Như đã nói ở trên, nhiễm trùng tai hay viêm tai giữa ở trẻ xảy ra khi tai bị virus hoặc vi khuẩn xâm nhập. Tình trạng nhiễm trùng này còn có thể là hậu quả do cảm lạnh, cảm cúm hoặc trẻ bị dị ứng khiến cửa mũi sau, vùng họng và vòi nhĩ của trẻ bị tắc nghẽn.
Những ngày qua khi thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi khiến trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhất là đối với trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hay miễn dịch kém.
Nhìn chung, các yếu tố nguy cơ có thể gây viêm tai giữa bao gồm:
- Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 6 tháng tới 2 tuổi có nguy cơ bị nhiễm trùng tai cao hơn
- Tiền sử gia đình
- Cảm lạnh: Bị cảm lạnh thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa
- Dị ứng: Trẻ bị dị ứng có thể gây viêm (sưng), tắc đường mũi và hô hấp trên dẫn tới to các adenoid. Khi adenoid to lên có thể gây tắc vòi nhĩ, ngăn không cho dịch tai chảy ra, chất lỏng bị tích tụ lại ở tai giữa khiến trẻ đau đớn và mưng mủ.
- Bệnh mãn tính: Một số bệnh mãn tính có thể tăng nguy cơ viêm tai giữa như suy giảm miễn dịch, bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn,...
Có 3 dạng viêm tai giữa bao gồm viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa có chảy mủ và viêm tai giữa mãn tính.
2. Các triệu chứng của viêm tai giữa là gì?
Các triệu chứng của viêm tai giữa bao gồm:
- Đau tai
Triệu chứng phổ biến ở cả viêm tai giữa ở trẻ em và người lớn. Ở những trẻ còn quá nhỏ chưa biết nói thì cha mẹ có thể quan sát biểu hiện liên quan như trẻ liên tục cọ xát tai, dụi tái, ngoáy tai, quấy khóc nhiều hơn bình thường kèm theo khó ngủ hay cáu kỉnh.
- Chán ăn
Chán ăn cũng là dấu hiệu viêm tai giữa thường thấy ở trẻ nhỏ, nhất là trong giai đoạn trẻ đang bú bình. Áp lực trong tai giữa thay đổi khiến trẻ đau khi nuốt nên trẻ dễ chán ăn hơn.
- Khó chịu
Thực tế thì bất kể loại đau nào, kể cả viêm tai giữa đều gây khó chịu.
- Ngủ kém
Cơn đau có thể tồi tệ hơn khi trẻ nằm xuống vì áp lực trong tai tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ cũng ngủ kém hơn và trằn trọc hơn.
- Sốt
Nhiễm trùng tai có thể gây ra các cơn sốt từ trên 38 độ tới 40 độ. Khoảng 50% trẻ bị viêm tai giữa đều có biểu hiện sốt.
- Chảy dịch từ tai
Khi bị viêm tai giữa thể chảy dịch có thể xuất hiện dịch lỏng màu vàng, nâu hoặc trắng từ tai. Điều này có thể là màng nhĩ đã bị rách. Ngoài ra một số trẻ còn bị chảy dịch có lẫn máu, có mùi, dịch keo đặc,..
- Khó nghe, nghe kém
Xương của tai giữa kết nối với các dây thần kinh truyền tín hiệu điện (như âm thanh) đến não. Chất lỏng phía sau màng nhĩ làm chậm sự chuyển động của các tín hiệu điện này qua xương tai trong.
3. Viêm tai giữa ở trẻ khi nào cần nhập viện?
Thường thì rất hiếm khi viêm tai giữa không khỏi hoặc nhiễm trùng tái phát nặng gây ra biến chứng. Tuy nhiên với những trẻ có cơn đau tai liên tục, tai bị ù, đầy kết hợp với sốt thì nên được thăm khám bác sĩ sớm nếu triệu chứng không thuyên giảm sau vài ngày.
Viêm tai giữa ở trẻ thường tự khỏi trong vòng 2 hoặc 3 ngày, thậm chí không cần điều trị đặc hiệu. Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng có thể kéo dài hơn (với dịch trong tai giữa trong 6 tuần hoặc lâu hơn), ngay cả sau khi điều trị bằng kháng sinh.
Với trẻ bị viêm tai giữa mạn tính, có nghĩa là trẻ từng mắc viêm tai giữa cấp tính, do đó mà khi có các biểu hiện bất thường hoặc sau nhiễm trùng được hô hấp trên bao gồm cảm cúm, viêm mũi họng,... phụ huynh cũng cần chú ý để đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn sớm.
Bố mẹ tuyệt đối không được tự mua thuốc về điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ và cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các vaccine như cúm, phế cầu,... giúp trẻ có hàng rào bảo vệ vững chắc khi thời tiết mùa hè thay đổi thất thường và hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Nguồn dịch:
1. Middle Ear Infections (Otitis Media)
2. Ear Infection (Otitis Media)