Viêm xoang mạn tính: Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Anh Dũng
10/10/2020 - 13:50
Viêm xoang mạn tính: Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
Viêm xoang mạn tính là tình trạng hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, đau nhức... kéo dài trên 8 tuần, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải.

Viêm xoang mạn tính là tình trạng viêm xoang với các triệu chứng kéo dài trên 8 tuần. Người bệnh thường cảm thấy tắc nghẽn mũi, sổ mũi, nước mũi vàng hoặc hơi xanh do tình trạng viêm có mủ, đau sưng vùng mũi, đau nhức hàm trên hoặc răng,... gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày.

1. Viêm xoang mạn tính là gì?

Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm ở các lớp niêm mạc lót trong các hốc xoang. Khi bị viêm, các màng sưng lên, cản trở các lỗ xoang, ngăn chất dịch nhầy thoát ra ngoài. Các chất dịch nhầy ứ đọng lại sẽ dẫn đến nhiễm trùng gây mủ dẫn đến các triệu chứng điển hình như dịch nhầy màu vàng hay xanh, đau nhức...

Những điều cần biết về viêm xoang mạn tính - Ảnh 2.

Viêm xoang mãn tính là tình trạng nhiễm trùng trong các hốc xoang (Ảnh: Internet)

Viêm xoang mạn tính thường kéo dài trên 8 tuần hoặc tái phát nhiều lần.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Thông thường, tình trạng viêm xoang mãn tính do nhiễm trùng gây ra. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể do khối u trong xoang hay lệch vách ngăn mũi. Một số nguyên nhân thường gặp của bệnh có thể bao gồm:

- Do các khối u bướu thịt hoặc các mô phát triển bất thường chặn mũi xoang.

- Do phản ứng dị ứng của cơ thể với các dị nguyên như nấm...

- Lệch vách ngăn mũi.

- Chấn thương ở mặt như gãy hoặc dị tật ở xương gây cản trở các hốc xoang.

- Các biến chứng của bệnh xơ nang, trào ngược dạ dày, hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch như HIV.. có thể dẫn đến tắc nghẽn các xoang.

- Nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn hoặc nấm trong tự nhiên. Ngay cả tình trạng nhiễm trùng đơn giản và thường gặp nhất như cảm lạnh cũng có thể làm nóng và dày màng xoang, ngăn chặn thoát dịch nhầy và tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn.

- Hệ thống miễn dịch tế bào. Trong một số điều kiện y tế nhất định, các tế bào miễn dịch được gọi là eosinophils có thể gây viêm xoang.

3. Các yếu tố nguy cơ

Tuy rằng có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm xoang mạn tính, nhưng một số yếu tố nhất định có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

- Có một số dấu hiệu bất thường trong giải phẫu ở mũi như lệch vách ngăn mũi hay polyp mũi.

- Nhạy cảm với aspirin gây ra một số triệu chứng đường hô hấp.

- Đang mắc một số bệnh như xơ nang hay trào ngược dạ dày (GERD).

- Đang mắc bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch chẳng hạn như HIV/AIDS.

Polyp mũi xoang là một trong số các yếu tố nguy cơ gây nên viêm xoang mạn tính (Ảnh: Internet)

Polyp mũi xoang là một trong số các yếu tố nguy cơ gây nên viêm xoang mạn tính (Ảnh: Internet)

- Đang bị sốt hoặc gặp tình trạng dị ứng có thể ảnh hưởng đến xoang.

- Hen suyễn. Các chuyên gia đã ước tính được khoảng một trong 5 người bị viêm xoang mãn tính có mắc bệnh suyễn.

- Những người thường xuyên tiếp xúc với chất gây ô nhiễm như khói thuốc lá, hóa chất...

4. Dấu hiệu, triệu chứng

Những triệu chứng của viêm xoang mạn tính thường trầm trọng hơn nhiều do nhiễm trùng. Dấu hiệu điển hình nhất thường thấy là tắc nghẽn ở mũi, gây khó thở khi thở bằng mũi.

Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức ở hàm trên và răng hay đau, sưng ở quanh khi vực mắt, mũi, trán. Sổ mũi đi kèm với dịch nhầy có màu vàng hoặc hơi xanh, chảy từ mũi ra ngoài hoặc chảy xuống phía sau cổ họng. Một số trường hợp bị suy giảm khứu giác và vị giác và ho, tình trạng thường nặng hơn vào ban đêm.

Ngoài ra, người bệnh viêm xoang mạn tính cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như:

- Đau tai.

- Viêm họng.

- Tình trạng hơi thở hôi.

- Người mệt mỏi hay khó chịu.

- Buồn nôn.

Những triệu chứng của viêm xoang mạn tính cũng không khác quá nhiều so với viêm xoang cấp tính nhưng thường kéo dài hơn và gây mệt mỏi hơn. Sốt không phải là một dấu hiệu thường gặp của viêm xoang mãn tính.

5. Biến chứng

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm xoang mạn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như hen, viêm màng não hay các biến chứng về mắt như viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu...

Những điều cần biết về viêm xoang mạn tính - Ảnh 4.

Viêm màng não là một trong số những biến chứng của viêm xoang mạn tính (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị chứng phình động mạch hoặc cục máu đông. Điều này là do tình trạng nhiễm trùng có thể gây ra vấn đề với nguồn cung cấp máu cho não. Từ đó có thể dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.

6. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nếu tình trạng bệnh tiếp tục kéo dài và không đáp ứng với điều trị, người bệnh nên tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán lại nhằm thay đổi phương pháp thích hợp hơn. Ngoài ra nếu có những triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng dưới đây, bệnh nhân cũng nên tới cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất:

- Đau và sưng xung quanh vùng mắt.

- Sưng trán.

- Đau đầu dữ dội.

- Không tỉnh táo, dễ bị lẫn lộn.

- Suy giảm thị lực, nhìn đôi hoặc thay đổi tầm nhìn.

- Khó thở.

- Đau cổ.

7. Điều trị viêm xoang mạn tính

Nguyên tắc để điều trị viêm xoang mạn tính bao gồm đảm bảo sự dẫn lưu của mũi xoang và chống phù nề ở các niêm mạc cũng như kết hợp điều trị tại chỗ. Bệnh nhân cũng cần nghỉ ngơi nhiều, phòng tránh, hạn chế các tác nhân, nguyên nhân gây bệnh.

Với phương pháp điều trị nội khoa, để điều trị toàn thân, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc corticosteroid dạng uống cũng như thuốc kháng sinh từ 2 đến 3 tuần. Với điều trị tại chỗ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc co mạch, các loại thuốc corticosteroid dạng xịt.

Bên cạnh đó, người bệnh cần phối hợp các biện pháp hỗ trợ như rửa mũi bằng nước mũi sinh lý hay xông mũi bằng các loại tinh dầu tự nhiên để làm sạch, thông thoáng các xoang và làm giảm tình trạng viêm nhiễm.

Những trường hợp viêm xoang mạn tính điều trị nội khoa trong 1 thời gian dài nhiều lần mà không có kết quả người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật điều trị viêm xoang. Người mắc bệnh viêm mũi xoang mạn tính có cản trở dẫn lưu phức hợp lỗ ngách do dị hình giải phẫu như lệch vẹo vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, cuốn giữa đảo chiều,… hay viêm mũi xoang mạn tính có thoái hóa polyp mũi xoang đã điều trị nội khoa thất bại cũng được chỉ định phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật được sử dụng hiện nay là phẫu thuật nội soi mũi xoang, bao gồm các kỹ thuật như:

- Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang tối thiểu.

- Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng – hàm.

- Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng - hàm - trán.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm