Viêm xoang sàng: loại viêm xoang thường gặp nhất, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm

Anh Dũng
07/10/2020 - 09:40
Viêm xoang sàng: loại viêm xoang thường gặp nhất, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm
Viêm xoang sàng nếu không được điều trị kịp thời có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm do chúng là các xoang nằm gần mắt và sọ não nhất.

Viêm xoang là một tình trạng viêm nhiễm các niêm mạc xảy ra ở các xoang trên mặt, chủ yếu là do nhiễm trùng gây ra. Bệnh ban đầu thường ở giai đoạn cấp tính, nếu không được chữa trị dứt điểm có thể tái phát nhiều lần và chuyển thành mãn tính. Trong đó, viêm xoang sàng là loại viêm xoang thường gặp nhất và dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

1. Viêm xoang sàng là gì?

Xoang sàng bao gồm 4 khoang rỗng thông với nhau và nằm giữa 2 bên mắt. Viêm xoang sàng cũng giống như các dạng viêm xoang khác, là tình trạng niêm mạc ở xoang bị viêm. Trong hốc xoang có dịch mủ ứ đọng và tạo áp lực lên xoang sàng.

Vị trí của xoang sàng trên cơ thể con người (Ảnh: Internet)

Vị trí của xoang sàng trên cơ thể con người (Ảnh: Internet)

Viêm xoang sàng được chia thành 2 loại là viêm xoang sàng trước và viêm xoang sàng sau. Trong đó xoang sàng trước là xoang tiếp giáp giữa xoang trán và xoang hàm, hốc mũi và hốc mắt. Còn xoang sàng sau là xoang nằm ở phía sau xoang sàng trước, phía sau gáy.

2. Triệu chứng

Do có thể xảy ra ở các vị trí khác nhau, nên dấu hiệu của viêm xoang sàng trước cũng có sự khác biệt với viêm xoang sàng sau. Cụ thể như:

- Nếu bị viêm xoang sàng trước, bệnh nhân thường bị nghẹt mũi, tắc nghẽn dịch nhầy ở mũi khó xì ra được. Bên cạnh đó, mũi thường xuyên đau nhức và ngày càng trầm trọng hơn.

- Nếu là viêm xoang sàng sau, các triệu chứng điển hình sẽ bao gồm đau nhức đầu, đặc biệt ở 2 bên thái dương. Cơn đau sẽ lan dần lên đỉnh đầu hoặc âm ỉ ở phần sau gáy. Ngoài ra, thị giác của bệnh nhân cũng sẽ suy giảm, mắt bị nhòe, mờ.

- Nếu bị viêm xoang sàng ở cả 2 bên, bệnh nhân chắc chắn sẽ bị nghẹt mũi và suy giảm khứu giác, trầm trọng hơn có thể không ngửi được gì.

Bên cạnh các triệu chứng điển hình trên, một số dấu hiệu sau cũng cảnh báo bạn đang mắc viêm xoang sàng:

- Cảm giác nặng trong tai, ù tai, hay choáng váng.

- Có đờm trong cổ họng, ngứa họng, khó chịu trong họng.

- Hôi miệng

3. Biến chứng viêm xoang sàng

Xoang sàng nằm gần mắt và sọ não, do đó nếu bệnh không được điều trị có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng có thể kể đến bao gồm:

- Biến chứng về mắt như đỏ mắt, viêm mí mắt, sưng mắt... Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến có mủ, áp xe nhãn cầu, viêm dây thần kinh thị giác dẫn đến suy giảm thị lực hay mù lòa.

- Biến chứng về đường hô hấp do dịch mũi chảy trực tiếp xuống họng như viêm amidan, viêm họng, áp xe họng... thậm chí là viêm thanh quản.

- Biến chứng về tai do viêm xoang lan ra khu vực tai như viêm tai giữa, mủ trong tai. Nếu không được điều trị kịp thời, mủ sẽ gây áp lực dẫn đến thủng màng nhĩ. Nghiêm trọng hơn có thể gây ra viêm màng não mủ có nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng về tai rất nguy hiểm với bệnh nhân viêm xoang sàng (Ảnh: Internet)

Biến chứng về tai rất nguy hiểm với bệnh nhân viêm xoang sàng (Ảnh: Internet)

- Ngoài ra, người bệnh có thể gặp biến chứng viêm tắc tĩnh mạch hang. Các triệu chứng bao gồm rét run, sốt cao, nhức đầu, nhãn cầu lồi. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được điều trị đúng cách.

4. Điều trị

Trong các trường hợp bị viêm xoang sàng nhẹ, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc. Thuốc cần được dẫn vào bên trong xoang và đủ mạnh để tiêu diệt nấm, vi khuẩn cũng như giảm lượng dịch mủ đang ứ tắc. Thuốc được sử dụng cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch để tránh bệnh tái phát.

Một vài loại thuốc có tác dụng giảm các triệu chứng tức thời. Tuy nhiên nếu lạm dụng trong thời gian dài và liều lượng cao có thể sẽ bị phụ thuộc. Ngoài ra một số loại thuốc điều trị viêm xoang sàng cũng có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến gan, thận. Chính vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh sử dụng thuốc, một số bện pháp điều trị hỗ trợ cũng nên được áp dụng như xông mũi với tinh dầu, rửa mũi với nước muối sinh lý. Tinh dầu giúp làm dịu các cơn đau nhức và rửa mũi giúp làm sạch, kháng khuẩn.

Phẫu thuât

Phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng - FESS là phương pháp điều trị khá phổ biến (Ảnh: Internet)

Những trường hợp bệnh nặng hay điều trị nội khoa nhiều lần trong 1 thời gian dài mà không có kết quả sẽ được xem xét và chỉ định phẫu thuật để tránh các nguy cơ biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng. Phương pháp phẫu thuật điều trị viêm xoang sàng phổ biến hiện nay là phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng - FESS. Nó sẽ giúp phục hồi chức năng lưu thông và dẫn lưu khí của mũi xoang.

5. Phòng ngừa bệnh viêm xoang sàng

Để phòng ngừa bệnh viêm xoang sàng, mọi người cần phải chú ý tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Hạn chế và tránh tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây dị ứng như khói bụi, hóa chất, phấn hoa, lông thú...

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng xoang mũi khi thời tiết giao mùa.

- Nên uống nhiều nước mỗi ngày để giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi, tránh ứ đọng gây viêm xoang.

- Nên kê cao đầu khi ngủ để tránh tình trạng tắc nghẹt mũi.

- Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích như thuốc lá.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm