Việt Nam có hơn 12 triệu người 'tiền đái tháo đường'

08/04/2016 - 16:55
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường, nhưng gần 64% người mắc bệnh này không biết mình bị bệnh.
TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết TƯ cho biết, bệnh tiểu đường diễn tiến rất âm thầm, người bệnh hầu như không nhận thấy dấu hiệu đặc biệt nào. Khi các dấu hiệu bệnh khởi phát rõ thì người bệnh đã mắc từ 5-10 năm trước.

Do không nhận biết sớm, tình trạng tăng glucose máu mạn tính ở người bệnh đái tháo đường sẽ tiến triển, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh, hệ miễn dịch… Đã có những người bệnh tiểu đường nhập viện ở giai đoạn bị tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể, biến chứng đã nặng như mờ mắt, hoại tử chi… Lúc này, chi phí điều trị tốn kém và tính mạng người bệnh cũng bị đe dọa.

Trước khi mắc đái tháo đường, người bệnh thường sẽ có một giai đoạn gọi là “cửa sổ”. Đây là giai đoạn tiền đái tháo đường, mức đường huyết cao hơn ngưỡng bình thường, nhưng chưa đủ đề chẩn đoán đái tháo đường. Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 14% dân số đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường. Trong vòng khoảng 10 năm tiếp theo, nhóm này, sẽ tiến triển thành những người bệnh đái tháo đường type 2.
beo-phi.jpg
Sử dụng thức ăn nhanh, giàu năng lượng, ít vận động là nguyên nhân dẫn đến tiểu đường
Để phát hiện sớm nguy cơ đái tháo đường, cách tốt nhất là kiểm tra đường huyết định kỳ, nhất là với những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: Người trong gia đình có người ruột thịt đã mắc bệnh; thừa cân, béo phì; phụ nữ sinh con trên 4 kg; người ít vận động, mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu; người từ 45 tuổi trở lên…

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam chỉ trong 10 năm vừa qua, tỷ lệ mắc bệnh đã tăng tới 200%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng gia tăng nhanh chóng từ 7,7% lên gần 14%.

Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng và chất béo, ít chất xơ, các loại nước ngọt có đường… lối sống tĩnh tại ít vận động (xem phim, chơi điện tử, đi xe máy, ô tô thay vì đi bộ hoặc đạp xe đạp, đi thang máy thay vì đi thang bộ...) và sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở người trẻ, tăng stress trong cuộc sống…

Do đó, để phòng bệnh, mọi người nên có chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm