Việt Nam: Cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người bị chồng bạo lực thể xác, tình dục

Nguyễn Long
17/03/2022 - 20:35
Việt Nam: Cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người bị chồng bạo lực thể xác, tình dục

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam, cho biết, cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ (chiếm 63%) bị 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục...

Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức vào sáng nay (17/3), bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam, cho biết, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hiện nay bên cạnh đại dịch Covid-19, còn có một đại dịch khác đó là bạo lực đối với phụ nữ.

Theo một nghiên cứu với 10.000 đàn ông ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2013, cứ 10 nam giới thì có 1 người từng cưỡng hiếp 1 người không phải là vợ mình.

Còn ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ (BLĐVPN) năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ bị 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục do chồng gây ra.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, có một thực tế là việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch khác, cùng với những áp lực, căng thẳng kinh tế- xã hội vốn có hoặc gia tăng trong gia đình, đã khiến bạo lực gia tăng, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực gia đình để lại những hậu quả tồi tệ, trước mắt cũng như lâu dài về sức khỏe, tâm lý, kinh tế, xã hội cho nạn nhân, gia đình và xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều lần so với các loại bạo lực khác.

Trong thời gian gần đây, dư luận trong nước đã và đang lên tiếng, phản ứng ngày càng mạnh mẽ trước những vụ BLĐVPN, đặc biệt là xâm hại tình dục. Pháp luật Việt Nam cũng đã có những thay đổi quan trọng về hệ thống chế tài, hình phạt đối với các hành vi BLĐVPN và cũng đã bổ sung thêm nhiều biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân bị xâm hại tình dục, nhất là nạn nhân là người dưới 18 tuổi trong quá trình tố tụng.

Trong thời gian qua, UNODC đã phối hợp với các tổ chức LHQ, các đối tác chính phủ và quốc tế để hỗ trợ việc hài hòa các khuôn khổ pháp lý và thống nhất các biện pháp thực thi pháp luật nhằm ứng phó với tội phạm bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam...

Việt Nam: Cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người bị chồng bạo lực thể xác, tình dục - Ảnh 1.

Hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) diễn ra sáng 17/3 tại Hà Nội.

"Sự kiện hôm nay là một cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, các tổ chức xã hội trao đổi quan điểm và đóng góp những ý kiến thực tiễn, đưa ra những đề xuất cụ thể đối với Dự thảo luật BLGĐ.

Chúng tôi rất kỳ vọng, với sự quan tâm của lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, của các ngành các cấp, tâm huyết của ban soạn thảo, các chuyên gia, các tổ chức, chúng ta sẽ thu được những ý kiến đóng góp có chất lượng, Luật PCBLGĐ khi được Quốc hội thông qua sẽ là một đạo luật thể hiện rõ những cam kết của Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần phòng ngừa và xử lý hiệu quả các vụ bạo lực gia đình, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị bạo lực, xây dựng nền văn hóa Nói không với bạo lực gia đình, nói không với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em", bà Nguyễn Nguyệt Minh nhấn mạnh.

Năm 2015, cộng đồng quốc tế đã cùng tập hợp tại trụ sở LHQ để thống nhất các mục tiêu phát triển chung - gọi là Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Những mục tiêu này sẽ định hình sự phát triển toàn cầu trong 15 năm tới. Lần đầu tiên, một mục tiêu đã được dành riêng để nói về việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái (SDG 5). Mục tiêu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có bạo lực giới trong gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm