pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt Nam hơn 100 năm trước qua những bức ảnh đen trắng
Bức ảnh "Nhóm chiến binh người Thượng" của Pierre Dieulefils
Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils sinh năm 1862 tại làng Malestroit ở vùng Bretagne, nước Pháp. Ông gia nhập quân đội năm 1883, được phân công vào trung đoàn pháo binh và sang Đông Dương lần đầu vào năm 1885. Hai năm sau, ông giải ngũ rồi trở về Pháp. Năm 1888, ông quay lại xứ Bắc Kỳ, rẽ hẳn sang làm nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhà xuất bản bưu ảnh chuyên nghiệp. Năm 1905, ông đến Sài Gòn rồi du hành sang Phnom Penh và Angkor, không quên chụp lại những bức ảnh kỳ thú.
Năm 1909, ông tập hợp bộ ảnh về Đông Dương và xuất bản tập sách ảnh mang nhan đề Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ. Tác phẩm này đã đem lại cho ông Huy chương Vàng tại Đấu xảo quốc tế ở Bruxelles năm 1910. Sau đó, ông tiếp tục cho ra mắt cuốn Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận. Năm 1913, ông trở về Pháp, dành phần lớn thời gian vào việc sáng tác thơ ca. Ông qua đời năm 1937 tại quê nhà Malestroit.
Dưới con mắt của người đương thời, Pierre Dieulefils hẳn là người thành công trong nghề nghiệp với nguồn lợi lớn từ xuất bản bưu ảnh. Còn với người Việt, thành công của ông là việc đã ghi lại được những hình ảnh chân thực và quý giá về xứ Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ cách đây một thế kỷ. Như thế, Pierre Dieulefils đã phần nào trở thành một nhà chép sử của xứ sở này.
Để góp phần đưa những bức ảnh, và cũng là những tư liệu lịch sử quý giá về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đến với bạn đọc, Đông A đã gộp 2 cuốn sách ảnh của Dieulefils vào một ấn bản lấy tên chung là Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ (Indo-chine Pittoresque & Monumentale).
Cuốn sách gồm nhiều hình ảnh quý hiếm về cảnh vật, con người từ Bắc vào Nam hơn 100 năm trước. 261 bức ảnh trong cuốn sách sẽ đưa chúng ta trở lại quá khứ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cách đây hơn 100 năm của cảnh quan, các công trình kiến trúc, các di tích văn hóa - lịch sử khắp ba miền đất nước và gặp gỡ những con người là chứng nhân một thời của dân tộc: Từ thác Bản Giốc ở vùng biên giới Cao Bằng, đến hồ Hoàn Kiếm một ngày mùa thu; từ ải Nam Quan đến Nhà thờ Đức Bà, Vũng Tàu, Tây Ninh; từ phố Hàng Bạc, Paul Bert (Tràng Tiền) đến khu phố Tàu giữa Sài Gòn; từ cư dân đồng bằng sông Hồng, kép hát, nhà sư, đến thị vệ, quan lại, và cả vua Duy Tân; từ những cảnh hoang sơ đến đền đài cung điện... Một cách tự nhiên nhất, những khung hình này cũng chính là một phần của lịch sử.
Các bức ảnh trong sách được chú thích với các ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh, Đức. Phần chú thích ảnh được dịch giả Lưu Đình Tuân chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp, đồng thời tham khảo thêm phần chú chữ Hán - Nôm của ông Claude Maitre, từng là giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội và các nguồn tài liệu khác. Ngoài ra, dịch giả Ngụy Hữu Tâm hiệu đính phần chú thích tiếng Đức.
Một số hình ảnh trong cuốn sách Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: