Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số

Anh Quân
24/01/2021 - 16:06
Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số

Thương mại điện tử bùng nổ ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt mức 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Nước ta cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế toàn cầu, các hoạt động sản xuất, tiêu dùng… đều bị đình trệ, gián đoạn. Không ít doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Nhưng trong bộn bề khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.

Thương mại điện tử bùng nổ

Trong năm 2020, các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho nền kinh tế số của Việt Nam phát triển. Cụ thể như: Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay, Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử lớn... 

Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số - Ảnh 1.

Nhiều chương trình mua sắm trực tuyến được tổ chức thành công. Ảnh minh họa

Trong đó, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday. Thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa thương mại điện tử vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới. 

Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN cũng đã chính thức đề xuất và tổ chức thành công sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020. Sự kiện này được đưa vào lịch trình tổ chức thường niên vào ngày 8/8 hàng năm.

Tính chung trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử của Việt Nam đạt mức 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số. 

Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ: Chưa bao giờ sự phát triển của kinh tế số cũng như thương mại điện tử nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ như thời gian vừa qua.

Điều này thể hiện ở Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiếu 7%.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 645/QĐ-TTg) hỗ trợ, thúc đẩy  thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, có tính cạnh tranh và bền vững. Trong đó, mục tiêu đề ra là đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số - Ảnh 3.

Các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho thương mại điện tử của Việt Nam phát triển.

Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh 

Để xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật và phối hợp xử lý vi phạm về thương mại điện tử luôn được đề cao.

Trong năm 2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiếp nhận và xử lý 250 lượt phản ánh trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như: Không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. 

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, dấu hiệu vi phạm về việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại nhiều điểm nóng và đã xử lý nhiều vụ việc lớn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm