Cách đây gần 20 năm, một nhà tạm lý học của trường ĐH Virginia (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu cho thấy, tất cả mọi người đều nói dối với mức độ trung bình 2 lần/ngày. Nhưng từ đó đến giờ, cách thức giao tiếp hàng ngày của con người đã thay đổi rất nhiều, thông qua các tương tác trực tuyến, trên các mạng xã hội và các cổng thông tin điện tử khác. Theo đó, tần suất nói dối cũng tăng lên đáng kể.
Càng ngày tần suất nói dối trung bình của con người càng tăng lên
Trên internet, những giao tiếp trực diện (face-to-face), loại giao tiếp có thể đoán được thái độ của người đối thoại thông qua các loại hành vi phi ngôn từ (chẳng hạn như ánh mắt hoặc các cử chỉ, ngôn ngữ hình thể), không còn nữa. Đó chính là môi trường để những kẻ dối trá “trổ tài”: Một kẻ bất lương hoàn toàn có thể tạo cho mình một “hồ sơ” cực đẹp trên mạng để chinh phục những cô gái mà hắn ta ưa thích; Một tay chuyên "chạy mánh" cũng có thể biến thành một nhà trí thức lớn, nếu chỉ nhìn anh ta qua những gì thể hiện trên trang cá nhân online…
Nhiều vụ lừa đảo đã xảy ra với tần suất ngày một dày đặc. Điều đó khiến nhiều người lấy làm nghi ngại khi tiếp xúc với bất kỳ ai. Lòng tin nhiều khi dường như trở thành một thứ xa xỉ trên thế giới mạng.
Ông Jeff Hancock, Phó giáo sư chuyên về lĩnh vực Công nghệ thông tin của trường ĐH Cornell (Mỹ), nhận xét: “Hầu hết mọi người tin rằng môi trường online khiến cho mọi thứ trở nên bình đẳng và người ta sẽ nói dối nhiều hơn so với khi phải đối mặt trực tiếp”.
Những vụ lừa đảo khiến niềm tin trên thế giới mạng ngày càng ít ỏi
Tuy nhiên, một nghiên cứu về so sánh hành vi nói dối qua email và trên điện thoại đã chỉ ra rằng, mọi người trung thực hơn khi gửi email, vì chúng được lưu lại dưới dạng văn bản và không phải là không gian giao tiếp thời gian thực, nơi người ta có thể dễ dàng buông ra các lời nói dối một cách vô hại. Vả lại, công nghệ mạng cũng không phải là cánh cửa mở cho những lời nói dối lúc quá khích.
Một phen… cười bể bụng
Những người có nhiều tư duy sáng tạo thường gian lận, nói dối hơn - đó cũng là một phát hiện mới khá thú vị của các nhà khoa học Mỹ. Theo họ, sáng tạo trong công việc được coi là một ưu điểm vượt trội. Nhưng chính trí tưởng tượng quá phong phú của họ đã “chắp cánh” cho những lời nói gian dối được phát ra nhiều hơn, đặc biệt là khiến nhiều người… tin sái cổ!
Các nhà khoa học giải thích rằng, những người sáng tạo có xu hướng hay nói dối có thể là do họ có khả năng giải thích cho hành động không tuân theo nguyên tắc của mình. Trong khi những người kém sáng tạo sẽ khó nghĩ ra lý do hợp lý cho quyết định của mình hơn. Giáo sư Francesca Gino thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho biết: “Chỉ số sáng tạo cao giúp cá nhân giải quyết những khó khăn trong nhiều tình huống khác nhau. Tuy nhiên, sự sáng tạo cũng khiến các cá nhân bỏ qua quy định có tính nguyên tắc trong khi tìm giải pháp cho vấn đề và thực thi nhiệm vụ”.
Không chỉ các cá nhân, cả một số thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới cũng từng là "tác giả" của những lời nói dối
Điều này lý giải vì sao, chính một số thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới cũng từng là “tác giả” của những “con Cá tháng tư” cực lớn, khiến một bộ phận của thế giới phải… nghiêng ngả. Ví dụ: có tin Google sẽ tung ra hệ thống truy cập internet không dây miễn phí thông qua hệ thống… đường xả toilet trong mỗi hộ gia đình hay ứng dụng phiên dịch tiếng động vật; Apple sẵn sàng hợp tác cùng Adobe - một đối thủ “không đội trời chung"; Microsoft với thông tin “Yahoo! đã ở trong tay chúng tôi!”… Có rất nhiều người tin đó là sự thật. Tuy nhiên, sau đó ít lâu thì một số người kịp phát hiện đó chỉ là tin “Cá tháng tư”, khiến những ai đã “trót” chờ đợi những đột phá lớn trong giới công nghệ được một phen… cười bể bụng.
Ông Jeff Hancock, Phó giáo sư chuyên về lĩnh vực Công nghệ thông tin của trường ĐH Cornell (Mỹ)
“Con người tiến hóa thành loài có thể giao tiếp trực diện và sự tiến hóa này là một quá trình từ từ. Nhưng giờ đây, con người lại đang giao tiếp trong môi trường mới, nơi mà các động thái được cho là đúng bị lược bỏ. Điều đó dẫn đến tâm lý hoàn toàn tự nhiên khi họ nghĩ rằng người ta nói dối nhiều hơn qua internet. Công nghệ đơn giản chỉ can thiệp một phần để tạo điều kiện hoặc làm hạn chế các cơ hội nói dối mà thôi”.
|