Vinmec ứng dụng tế bào gốc điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành

19/06/2017 - 17:42
Ứng dụng tế bào gốc đã qua xử lý laser là kỹ thuật đột phá trong điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành, mang lại sự hồi phục tối ưu cho người bệnh.
Tại Việt Nam, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec là đơn vị tiên phong tiếp cận và nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đặc biệt này.

Thông tin được công bố tại Hội thảo “Sử dụng tế bào gốc kết hợp với chiếu tia laser và phẫu thuật để điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành” do Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec (Hệ thống Y tế Vinmec) tổ chức vừa qua tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút các chuyên gia đầu ngành Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực tế bào gốc, phẫu thuật tim tới tham dự và cập nhật nhiều thông tin giá trị về kỹ thuật đột phá trong điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành.
unnamed.jpg
TS Michael Heke (ĐH Stanford - Mỹ) - một trong những nhà khoa học hàng đầu của Mỹ về sinh học phân tử, nghiên cứu tế bào gốc
Diễn giả chính của Hội thảo là hai tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực tế bào gốc - phẫu thuật tim thế giới: TS Michael Heke đến từ ĐH Stanford (Mỹ) - một trong những nhà khoa học hàng đầu của Mỹ về sinh học phân tử, nghiên cứu tế bào gốc và GS Michael Klein - bác sỹ nổi tiếng về phẫu thuật và điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành tại Đức.

Theo các diễn giả, so với các phương pháp điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành truyền thống (phẫu thuật, ghép tim và ngay cả với phương pháp ghép tế bào gốc thông thường đang được áp dụng) - phương pháp ứng dụng tế bào gốc kết hợp với chiếu tia laser và phẫu thuật có những ưu điểm vượt trội. Việc chiếu tia laser vào khu vực tổn thương của tim trước khi ghép tế bào gốc sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất kích thích sự phát triển tối đa của tế bào gốc. Đây là điểm mấu chốt giúp các cơ tim bị tổn thương được hồi phục và cải thiện khả năng co bóp của tim, nâng cao chất lượng sống cho người người bệnh.

Chi phí của kỹ thuật này cũng được đánh giá tốt hơn so với chi phí của các phương pháp điều trị truyền thống. Hiện kỹ thuật trên chưa phổ biến trên thế giới nhưng đã được thử nghiệm thành công ở nhiều trung tâm y tế hàng đầu tại Đức.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cho biết: “Tại Việt Nam, việc điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành đã đạt được nhiều tiến triển nhưng chưa có nơi nào ứng dụng tế bào gốc kết hợp với chiếu tia laser và phẫu thuật để tạo ra đột phá. Vinmec đã tiên phong và từng bước tiếp cận với kỹ thuật này với mục tiêu mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh”.
unnamed.png
Phương pháp tế bào gốc được dùng trong điều trị nhiều bệnh nan y, trong đó có suy tim do hẹp tắc động mạch vành
Ngay sau khi tổ chức thành công Hội thảo “Sử dụng tế bào gốc kết hợp với chiếu tia laser và phẫu thuật để điều trị suy tim do hẹp tắc động mạch vành” giúp đội ngũ chuyên gia sớm tiếp cận và nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển giao công nghệ để sớm đưa kỹ thuật tiên tiến này vào điều trị trước mắt tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City.

Ra đời từ tháng 11/2016, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tế bào gốc khó, mang lại cuộc đời mới cho bệnh nhân. Thành công trên là nền tảng vững chắc để Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec tiếp tục thúc đẩy việc nghiên cứu chuyên sâu và triển khai các kỹ thuật mới như ứng dụng tế bào gốc đã qua xử lý laser để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều trị nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người bệnh.

Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, thuộc hệ thống y tế Vinmec do Tập đoàn Vingroup phát triển, với mục tiêu đưa các tiến bộ về di truyền và tế bào gốc trên thế giới ứng dụng tại Việt Nam, phục vụ chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả các bệnh hiểm nghèo.
Với sự đầu tư chiều sâu về công nghệ, tài chính và đội ngũ nhân sự hàng đầu trong lĩnh vực sinh học phân tử, di truyền tế bào và liệu pháp gen - Viện hiện là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm